Ngày 25-9, Oxfam tại Việt Nam và Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn (CISDOMA) tổ chức hội thảo khởi động dự án ‘Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”.
Dự án sẽ góp phần xóa bỏ các khuôn mẫu và định kiến giới lạc hậu đối với vai trò của nam, nữ và các giới khác trong gia đình, cộng đồng và xã hội thông qua sự tham gia tích cực và sáng tạo của thanh niên đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, phim ảnh, các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, truyền thông xã hội, văn hóa đại chúng và trò chơi điện tử… đều đang thể hiện những khuôn mẫu và định kiến về giới; đặc biệt là vai trò giới, định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ, và khuôn mẫu về nam tính của đàn ông.
Ông Đào Ngọc Ninh, Phó Giám đốc CISDOMA cho rằng: “Thanh niên là hạt nhân tiềm năng thúc đẩy bình đẳng giới. Các bạn trẻ bây giờ đã rất tiến bộ vì thế giới quan của các bạn được mở rộng trong xã hội thông tin hiện nay. Đó là một thuận lợi cho việc thay đổi các khuôn mẫu giới lạc hậu, tạo đà phát triển cho xã hội Việt Nam hiện đại”.
Song song với đó, Dự án sẽ hợp tác cùng các đơn vị truyền thông sáng tạo và doanh nghiệp để cùng thay đổi các khuôn mẫu và định kiến xã hội về nam giới và nữ giới trong các sản phẩm truyền thông đại chúng.
Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Bên cạnh việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động và dự án, Oxfam đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận thấy định kiến giới vẫn hiện diện nhiều trong nội dung và hình thức trên truyền thông đại chúng và đời sống xã hội. Dự án này kỳ vọng sẽ kết nối nhiều bên với vai trò hạt nhân của giới trẻ để thay đổi nhận thức và hành động xã hội về bình đẳng giới”.
Những định kiến như nam giới phải mạnh mẽ, quyết đoán, phải là trụ cột trong gia đình; trong khi nữ giới chỉ được coi là phái yếu, gắn liền với công việc chăm sóc gia đình, là hậu phương cho chồng… đã quá quen thuộc, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ tại Việt Nam.
Các hoạt động trong Dự án sẽ thúc đẩy việc chuyển hướng trong suy nghĩ và hành động của giới trẻ và công chúng đối với các định kiến về khả năng nghề nghiệp của các giới, về hình tượng và vai trò của nam giới và nữ giới trong gia đình và xã hội.
Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ, được triển khai trong 4 năm (2020-2024) tại 3 thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dành cho biên tập
Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.
Tại Việt Nam, Oxfam nỗ lực hoạt động tạo ra những chuyển biến tích cực trong chính sách, thực hành và niềm tin, từ đó cải thiện căn bản đời sống của nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương, và đảm bảo tất cả công dân cùng có cơ hội được hưởng quyền của mình. Chúng tôi đóng góp cho những thảo luận về vấn đề bất bình đẳng trên toàn cầu và tại Việt Nam. Hoạt động của Oxfam tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, lương thực bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên, và quản trị tốt.
Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập theo Quyết định số 25/QĐ-TƯ ngày 22/5/2000 của Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (SEARAV).
Thông qua tư vấn và hợp tác trong việc thực hiện các dự án phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau, hoạt động của CISDOMA đang nhắm tới: Nâng cao năng lực, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm thiệt thòi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái, người nông dân nghèo và các nhóm dễ bị tổn thuonwg khác; Tăng cường năng lực của các tổ chức địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và miền núi của Việt Nam; và Cung cấp các thông tin và phản hồi từ cơ sở để đóng góp cho quá trình hoạch định và triển khai các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững.