Giá vắc xin COVID đội lên ít nhất 5 lần vì độc quyền
Chi phí tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể giảm xuống ít nhất 5 lần nếu các hãng dược không giữ thế độc quyền để thu lợi riêng, đây là tuyên bố mới nhất ngày hôm nay của Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người.
Phân tích mới của Liên minh cho thấy công ty Pfizer/BioNTech và Moderna đang tính giá bán vắc xin cho chính phủ cao hơn 41 tỷ đô-la so với chi phí sản xuất ước tính. Ví dụ, Colombia có thể đã phải trả nhiều hơn 375 triệu đô-la cho các liều vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna, so với giá thành ước tính.
Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc và tử vong do COVID tại các nước đang phát triển, cho đến nay Pfizer / BioNTech và Moderna đã bán hơn 90% số vắc xin của họ cho các quốc gia giàu có, tính phí cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính. Tuần trước, Pfizer/ BioNTech thông báo họ sẽ cấp phép cho một công ty Nam Phi cung cấp và đóng gói 100 triệu liều để sử dụng ở Châu Phi, nhưng đây chỉ là một con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Cả hai hãng dược đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vắc xin với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển, một động thái có thể giúp tăng nguồn cung toàn cầu, hạ giá thành và cứu sống hàng triệu người.
Phân tích các kỹ thuật sản xuất vắc xin mRNA hàng đầu do Pfizer/ BioNTech và Moderna sản xuất - chỉ được phát triển nhờ nguồn ngân sách công với khoảng 8,3 tỷ đô la - cho thấy những loại vắc xin này có thể được sản xuất với chi phí là 1,20 đô la một liều. Tuy nhiên, COVAX, chương trình được thành lập để giúp các quốc gia tiếp cận với vắc xin COVID, đã phải chi trả trung bình gấp gần 5 lần. COVAX cũng đã phải vật lộn để có đủ liều lượng và đáp ứng tốc độ yêu cầu, vì nguồn cung không đủ và thực tế là các nước giàu đã tìm cách để được đứng đầu danh sách chờ bằng cách sẵn sàng trả giá cao hơn rất nhiều.
Nếu không có độc quyền dược phẩm về vắc xin làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá lên, Liên minh cho biết số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho mọi người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bằng giá thành sản xuất, nếu có đủ nguồn cung. Do đó, COVAX sẽ chỉ tiêm được cho nhiều nhất là 23% dân số vào cuối năm 2021.
Liên minh của gần 70 tổ chức, bao gồm Liên minh châu Phi, Oxfam và UNAIDS, cho biết, việc một số nước giàu không ủng hộ việc dỡ bỏ độc quyền và giảm giá vắc xin đang ở mức cao một cách bất hợp lý đã góp phần trực tiếp vào tình trạng khan hiếm vắc xin ở các quốc gia nghèo hơn.
Bà Anna Marriott, Quản lý Chính sách Y tế của Oxfam cho biết: “Các hãng dược đang đòi cả thế giới tiền chuộc vào thời điểm khủng hoảng toàn cầu chưa từng có. Đây có lẽ là một trong những vụ trục lợi lớn nhất trong lịch sử.
“Những khoản ngân sách quý giá lẽ ra có thể được sử dụng để xây dựng thêm các cơ sở y tế ở các nước nghèo hơn đang được nắm giữ bởi các Giám đốc điều hành và cổ đông của các tập đoàn đầy quyền lực này.”
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của UNAIDS cho biết: “Các nhân viên y tế đang chết dần chết mòn ở tuyến đầu trên khắp thế giới mỗi ngày. Riêng Uganda đã mất hơn 50 nhân viên y tế chỉ trong hai tuần. Nó gợi nhớ tới thời mà hàng triệu người đã chết vì HIV ở các nước đang phát triển vì giá thuốc HIV quá cao.
“Tôi thấy nhiều người được cứu sống ở các nước được tiêm chủng, ngay cả khi biến thể Delta lan rộng, và tôi cũng mong điều đó diễn ra ở các nước đang phát triển. Thật tội lỗi khi phần lớn nhân loại vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh quái ác này mà không được bảo vệ vì độc quyền dược phẩm và siêu lợi nhuận đang được đặt lên hàng đầu”.
Hiện nay một số quốc gia giàu có đã bắt đầu phân phối lại một lượng nhỏ dư thừa của họ và thực hiện các cam kết tài trợ, tuy nhiên hoạt động từ thiện này không đủ để giải quyết các vấn đề về cung ứng vắc xin toàn cầu. Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người đang kêu gọi các chính phủ cần cương quyết yêu cầu chuyển giao công nghệ vắc xin - cho phép tất cả các nhà sản xuất đủ khả năng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển sản xuất các loại vắc xin này. Chính phủ các nước cũng cần khẩn trương thông qua việc dỡ bỏ các quy định về sở hữu trí tuệ liên quan đến công nghệ COVID-19 theo đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ.
Yêu cầu dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ này đã được hơn 100 quốc gia ủng hộ, bao gồm cả Mỹ và Pháp, hiện đã bắt đầu được đàm phán chính thức tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và sẽ tiếp tục họp vào tuần này. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Đức và Anh nhiều lần ngăn cản.
Bà Maaza Seyoum, đại diện Liên minh châu Phi và Liên minh Vắc xin cho Tất cả mọi người châu Phi, cho biết: “Việc tạo điều kiện cho các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển sản xuất vắc xin là cách nhanh và chắc chắn nhất để tăng nguồn cung và giảm đáng kể giá bán. Điều này từng được thực hiện để điều trị HIV, và chúng ta đã thấy giá giảm tới 99%.”
“Tại sao chính phủ Anh và Đức liên tục phớt lờ những lời kêu gọi của các nước đang phát triển về việc phá bỏ độc quyền vắc xin để có thể vừa thúc đẩy sản xuất vừa làm hạ giá bán?”
Các nước thu nhập thấp tiêm chưa được tới 1% dân số, trong khi lợi nhuận thu được từ các công ty đã biến các giám đốc của Moderna và BioNTech thành tỷ phú.
Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước đại dịch, các nước đang phát triển đang trả mức giá trung bình là 0,80 đô la một liều cho tất cả các loại vắc xin không phải là vắc xin COVID. Tuy vắc xin loại khác nhau và các loại vắc xin mới có thể không so sánh trực tiếp được, nhưng ngay cả một trong những loại vắc xin COVID 19 rẻ nhất trên thị trường như Oxford/AstraZeneca, cũng có giá gần gấp 4 lần giá mức giá trung bình; vắc xin Johnson and Johnson là 13 lần; và các loại vắc xin đắt tiền nhất, như Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, cao hơn tới 50 lần.
Điều quan trọng là phải bắt buộc các nhà sản xuất vắc xin giải thích lý do tại sao vắc xin của họ đắt hơn, và việc cạnh tranh minh bạch cũng rất quan trọng để hạ giá và tăng nguồn cung. Tất cả các loại vắc xin, cũ và mới, chỉ giảm giá khi có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Chưa bao giờ trong lịch sử, các chính phủ mua nhiều vắc xin như vậy cho một dịch bệnh và việc sản xuất quy mô lớn lẽ ra sẽ giảm chi phí, cho phép các công ty bán với giá thấp hơn. Tuy nhiên, EU được cho là đã trả mức giá thậm chí còn cao hơn cho đơn đặt hàng thứ hai của họ từ Pfizer/BioNTech. Sự leo thang mạnh của giá vắc xin được dự đoán sẽ còn tiếp diễn khi thiếu vắng động thái của chính phủ bên cạnh khả năng phải tiêm nhắc lại trong các năm tới. Giám đốc điều hành của Pfizer đã đề xuất mức giá dự tính trong tương lai lên tới 175 đô la mỗi liều - cao hơn 148 lần so với chi phí sản xuất ước tính. Và vì các công ty dược phẩm dự đoán sẽ tính giá cao như vậy cho các đợt tiêm nhắc lại, họ sẽ tiếp tục bán vắc xin cho các nước giàu thay vì bảo vệ nhân mạng toàn cầu.
Trong bản báo cáo được đăng hôm nay, Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người nêu rõ tên các nước đang phát triển và cả những nước giàu hơn có khả năng đang trả một cái giá quá cao để có được vắc xin:
- Pfizer/BioNTEch đang bán cho Liên minh châu Phi với giá được cho là thấp nhất của họ ở mức 6,75 đô la, tuy nhiên mức giá này vẫn gấp gần 6 lần chi phí sản xuất dự tính cho loại vắc xin này. Một liều vắc xin hiện ngang với số tiền chi tiêu y tế của Uganda cho mỗi người dân trong vòng 1 năm.
- Israel trả 28 đô-la cho một liều vắc xin - mức giá được cho là cao nhất được trả cho Pfizer/BioNTech tính đến hiện nay, gấp gần 24 lần chi phí sản xuất dự tính.
- Liên minh châu Âu có thể đã thanh toán quá mức cho 1,96 tỉ liều vắc xin Moderna và Pfizer/BioNTech với số tiền lên tới 31 tỉ euro
- Moderna ra mức giá gấp từ 4 đến 13 lần mức chi phí sản xuất cho các quốc gia khác. Công ty này được cho là đã đưa ra mức 30 – 42 đô-la một liều cho Nam Phi – gấp gần 15 lần so với chi phí sản xuất dự tính.
- Columbia, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID, đang phải trả gấp đôi mức giá mà Mỹ trả cho vắc xin Moderna. Tính cả Moderna và Pfizer/BioNTech. Columbia đang trả cao hơn giá thực là 375 triệu đô-la.
- Senegal, một nước có thu nhập thấp, thông báo rằng đã phải trả tận 4 triệu đô-la cho 200,000 liều Sinofarm, với giá trung bình 20 đô-la/liều.
- Anh có thể đã trả quá 1,8 tỉ bảng Anh so với chi phí sản xuất thật của vắc xin Pfizer và Moderna – số tiền đủ để thưởng cho mỗi nhân viên của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) 1.000 bảng.
Bà Maaza Seyoum chia sẻ: “Nếu những tập đoàn dược phẩm này vẫn tiếp tục nắm độc quyền trong tay công nghệ chữa trị những căn bệnh chết người, họ sẽ luôn ưu tiên những hợp đồng mang lại lợi nhuận cao, bỏ mặc những quốc gia đang phát triển.”
“Với tình hình ngân sách chính phủ gặp khủng hoảng ở khắp mọi nơi và các ca mắc COVID ngày càng tăng ở những nước đang phát triển, đã đến lúc chúng ta ngừng hỗ trợ những hãng dược giàu có. Việc cần làm lúc này là đặt con người lên trên lợi nhuận.”
/Hết
Để nhận được bản copy của báo cáo hoặc đăng ký phỏng vấn, xin liên hệ với: media@peoplesvaccine.org
Ghi chú cho biên tập viên:
Bản copy của báo cáo có thể được truy cập ở đây: https://app.box.com/s/inqlaf8gwoy6cxutocs8kngu0g8regce
- Vì sự thiếu minh bạch của những tập đoàn dược phẩm, chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin không được tiết lộ chính xác. Những dự đoán được dùng trong bài đăng này được đưa ra dựa vào các nghiên cứu về quá trình sản xuất của công nghệ mRNA được tiến hành bởi tổ chức Public Citizen và các kỹ sư tại Đại học Imperial. Nghiên cứu này cho rằng chi phí sản xuất cho 9 tỉ liều Pfizer/BioNTech sẽ rơi vào khoảng 9,4 tỉ ĐÔ-LA, 1,18 ĐÔ-LA cho một liều vắc xin. Trong khi đó, để sản xuất 8 tỉ liều Moderna sẽ tốn khoảng 22,8 tỉ ĐÔ-LA, tương đương 2,85 đô-la cho một liều vắc xin https://www.citizen.org/article/how-to-make-enough-vaccine-for-the-world-in-one-year/
- Số liệu cho rằng một công ty đang định giá gấp 24 lần chi phí sản xuất thực dự kiến được đưa ra dựa vào các thông tin hiện có. Theo các nguồn, Isarel là quốc gia phải trả giá cao nhất. Với những nước khác, không có số liệu cụ thể về giá họ phải trả cho các loại vắc xin.
- Pfizer dự báo doanh thu lên tới 26 tỉ ĐÔ-LA cho 1,6 tỉ liều vắc xin bán ra. Như vậy, giá trung bình 16,25 ĐÔ-LA/liều (so với chi phí sản xuất dự tính 1,18 ĐÔ-LA/liều). Doanh thu dự tính của Moderna rơi vào khoảng 800 triệu cho 1 tỉ liều, với giá trung bình 19,20 đến 24 ĐÔ-LA/liều (so với chi phí sản xuất dự tính 2,85 ĐÔ-LA/liều). Theo đó, doanh thu dự tính của hai công ty này sẽ đạt được nhiều hơn so với chi phí sản xuất thực khoảng 41 tỉ ĐÔ-LA.
- Columbia được cho là đã trả 12 ĐÔ-LA/liều cho 10 triệu liều Pfizer/BioNtech và 29.50 ĐÔ-LA/liều Moderna, đồng nghĩa với việc trả quá 375 triệu ĐÔ-LA.
- Số liệu của các Tỉ phú vắc xin (Vaccine Billionaires) có thể được xem tại: https://www.oxfam.org/en/press-releases/covid-vaccines-create-9-new-billionaires-combined-wealth-greater-cost-vaccinating
- Pfizer/BioNTech và Moderna đã nhận trợ cấp lên tới 8.25 tỉ ĐÔ-LA từ quỹ công – 5.75 tỉ ĐÔ-LA cho Moderna và 2.5 tỉ ĐÔ-LA cho Pfizer/BioNTech. Số tiền này bao gồm nguồn tài trợ công và các đơn đặt hàng trước của chính phủ. https://www.oxfamamerica.org/explore/research-publications/shot-recovery/
- COVAX đưa ra báo cáo chương trình này đã trả 5,20 ĐÔ-LA một liều cho 1,3 tỉ liều điều đầu tiên. Dựa vào nguồn số liệu về giá cho những loại vắc xin trong chương trình Covax, chúng ta có thể đoán rằng COVAX đã trả chưa đến 5,20 ĐÔ-LA cho một liều Oxford/AstraZeneca (khiến giá trung bình của vắc xin giảm xuống) và trả giá cao hơn cho Pfizer/BioNTech (khiến giá trung bình tăng). Sự thiếu minh bạch của chương trình khiến việc điều tra trở nên khó khăn.
- GAVI dự đoán COVAX sẽ hoàn thành tiêm chủng cho 23% dân số tại các nước thuộc cơ chế Cam kết Thị trường Trước (AMC) trong năm 2021. https://www.gavi.org/sites/default/files/covid/covax/COVAX Supply Forecast.pdf
- Sự cạnh tranh thị trường đã khiến giá của các liệu pháp điều trị HIV đầu tiên giảm tới 99% trong vòng 10 năm, từ 10,000 ĐÔ-LA xuống đến 67 ĐÔ-LA một bệnh nhân một năm. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3078828/#B67
- Theo phân tích của Liên minh vắc xin cho tất cả mọi người, mới có khoảng 0.28% trên tổng số 775.710.612 dân số gộp lại của những nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Số liệu từ trang web Thế giới của Chúng ta qua các số liệu (Our World in Data) kết luận rằng tính đến Chủ nhật mới chỉ có 2.155.657 người được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
- UNICEF đứng ra thu mua các loại vắc xin hiện có giúp nhiều nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Theo phân tích trên tờ Lancet, giá trị trung bình của một liều vắc xin của tất cả các loại rơi vào khoảng 0,80 ĐÔ-LA. https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)00306-8/fulltext
- Vắc xin Sinofarm của Trung Quốc đang được bán với giá lên đến 40 ĐÔ-LA một liều (đắt hơn gấp 50 lần so với con số 0,80 ĐÔ-LA). https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)00306-8/fulltext#sec1
- Vương quốc Anh được cho là đã trả 15 bảng cho một liều Pfizer trong đơn đặt hàng 100 triệu liều. Với Moderna, nước này được cho là đã trả 25 bảng 1 liều cho 17 triệu liều. Nếu hai loại vắc xin có chi phí sản xuất giống như ước tính của Public Citizen, Anh có thể tiết kiệm được tới 1,8 tỉ bảng, đủ để thưởng cho mỗi nhân viên của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) một khoản 1,012 bảng (dựa vào việc NHS có 1,5 triệu nhân viên tại Anh, 140.000 tại Scotland, 78.000 nhân viên tại Wales và 64.000 tại Bắc Ireland).
- Để tìm hiểu thêm các ví dụ khác về các nước đang phát triển và các nước giàu hơn có thể đã và đang phải trả giá quá cao cho vắc xin, có thể tham khảo cách tính toán và các nguồn tư liệu của bản báo cáo tại đây: https://app.box.com/s/inqlaf8gwoy6cxutocs8kngu0g8regce
Follow us on Facebook
Follow us on Twitter
Our photos on Flickr
YouTube
Instagram
LinkedIn