Ngày 18 tháng 10 năm 2018, Oxfam và BTAP tổ chức hội thảo “Các công cụ quản lý ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam” với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ các cơ quan quốc tế, cơ quan chính phủ, trường đại học, tổ chức xã hội và báo chí.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải cách hệ thống quản lý tài chính công nhằm giải quyết các thách thức như nợ công đang ở mức cao và thu ngân sách hiện không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu phát triển.
Ba công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được áp dụng khá phổ biến trên thế giới đã được giới thiệu trong hội thảo, bao gồm: Đánh giá không gian tài chính, Lập kế hoạch tài chính trung hạn, và Chi tiêu ngân sách dựa trên kết quả. Trong đó, Kế hoạch tài chính trung hạn hiện được áp dụng tại hầu hết các nước OECD, ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản. Hội thảo cũng phân tích các thách thức và giải pháp cho Việt Nam trong việc áp dụng các công cụ trên để cải cách hệ thống quản lý tài chính công.
Tiến sĩ Marthew Martin, Giám đốc tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế - DFI, cho rằng Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu về Phát triển Bền vững SDGs. Muốn vậy, Việt Nam cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự bền vững của hệ thống tài chính công cũng như nền kinh tế.
“Có 8 giải pháp chung để mở rộng không gian tài chính. Tuy nhiên, các giải pháp như nới lỏng chính sách tài khóa hay vay nợ để đầu tư phát triển đều không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát và nợ công hiện đang tiến đến mức trần 65% GDP. Tôi cho rằng Việt Nam chỉ nên tập trung vào ba nội dung chính là: Tái cơ cấu lại các khoản chi ngân sách; Nâng cao hiệu quả chi ngân sách thông qua các cơ chế minh bạch và có sự tham gia của công chúng trong giám sát chi tiêu; và Nâng cao hiệu quả thu ngân sách bằng các giải pháp khác nhau như hạn chế gian lận thuế, bãi bỏ các ưu đãi thuế không cần thiết ”, Tiến sĩ Matthew Martin chia sẻ.
Theo Báo cáo “Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam” do Oxfam thực hiện năm 2017, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam lớn và dàn trải; ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế của Việt Nam dài hơn và có phạm vi rộng hơn một số nước trong khu vực. Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế khá cao cho các dự án đầu tư vào các địa bàn kém phát triển hay các khu kinh tế. Những ưu đãi thuế có thể thúc đẩy hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, gây xói mòn cơ sở thuế. Theo báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2017-2018)[1], ba yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2014, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.
Vì vậy, Việt Nam cần rà soát và loại bỏ những ưu đãi thuế không cần thiết, đồng thời giảm thiểu việc trốn thuế và tránh thuế qua các cơ chế giám sát, đặc biệt thực hiện tốt Nghị Định 20/2017/NĐ-CP - Quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập, cho rằng Việt Nam cần nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách bằng các cơ chế minh bạch và giám sát. “Hiện nay, một số tài liệu về ngân sách đã được công bố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Tuy nhiên, các tài liệu này không đủ chi tiết để công chúng và các tổ chức xã hội giám sát chi tiêu ngân
sách một hiệu quả. Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các quy định chính sách cũng như thực hành về công khai ngân sách nhà nước”.
Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, khuyến nghị “Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng các công cụ mới như phân bổ ngân sách dựa trên kết quả nhằm đảm bảo ngân sách chi tiêu tốt hơn cho các mục tiêu định hướng và đạt được các kết quả mong đợi. Để làm được việc đó, sự hợp tác giữa các cơ quan và Bộ, ngành khác nhau để cùng xây dựng kế hoạch ngân sách cho những mục tiêu phát triển chung là rất cần thiết”.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam, chia sẻ: “Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về giảm nghèo nhờ đầu tư ngân sách cho các chương trình giảm nghèo và phát triển xã hội. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo hiện nay đang chững lại, tỷ lệ nghèo ở miền núi vẫn đang ở mức cao, nghèo đa chiều đã trở thành vấn đề hiện hữu tại các khu vực đô thị và bất bình đẳng đang trở thành một thách thức mới. Việt Nam có thể học kinh nghiệm của các nước khác trong việc sử dụng ba công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được giới thiệu tại hội thảo để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, duy trì và tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển công bằng và bền vững.”
THÔNG TIN DÀNH CHO BIÊN TẬP
Oxfam là một tổ chức phát triển trên toàn thế giới huy động sức mạnh và tiếng nói của người dân chống lại đói nghèo, bất bình đẳng và bất công. Chúng tôi là một khối gồm 19 tổ chức Oxfam hoạt động trên hơn 90 quốc gia. Oxfam cùng làm việc với các tổ chức đối tác, song hành cùng phụ nữ và nam giới nhằm chấm dứt bất công.
BTAP được thành lập năm 2015 với mục đích tìm kiếm, thử nghiệm và thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp hiệu quả hướng tới công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân trong quy trình ngân sách nhà nước tại Việt Nam, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực vì sự phát triển của đất nước. Thành viên của BTAP bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức xã hội. Các thành viên nòng cốt của BTAP bao gồm: Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Trung tâm Hành động vì sự phát triển của cộng đồng (ACDC), Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
Xem thêm ảnh hội thảo tại đây.
[1] Global Competitiveness Report 2017-2018, World Economic Forum: http://reports.weforum.org/global-competitiveness-index-2017-2018