
Được mệnh danh là “nữ hoàng của các loài tre, trúc Việt Nam”, lùng/vầu đang tạo ra những đổi thay đầy mới mẻ tại huyện Quan Sơn, một “vùng nghèo” của Thanh Hóa.
“Rừng được chăm sóc có kỹ thuật, có quy trình bài bản hơn,” ông Lò Văn Tiếu, một nông dân ở bản Ngàm, chia sẻ trải nghiệm trồng và khai thác rừng lùng theo chứng chỉ FSC. “Cây lùng được khôi phục phát triển tốt hơn rất nhiều và người dân tham gia có thu nhập cao hơn gần gấp đôi. Nếu như trước đây chỉ bán 800-900 đồng/kg, thì nay bán được 2.000 đồng/kg.”
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council), nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi. Đầu năm 2019, chứng chỉ FSC đầu tiên của ngành tre Việt Nam đã được cấp cho hơn 3.000ha rừng lùng ở huyện Quan Hóa. Thành quả có được sau một thời gian Dự án nỗ lực thay đổi tập quán và tư duy của người dân thông qua các hoạt động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và thí điểm phục tráng các khoảnh rừng lùng.
Việc quản lý rừng theo hướng bền vững không chỉ tăng năng suất và chất lượng rừng, mà còn tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá mua cao, đồng thời lập tổ đan lát và sơ chế tại địa phương để tạo thêm việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và những người lớn tuổi khó đi rừng.
Bà Lương Thị Nguyệt, tổ trưởng một tổ sản xuất tại bản Sại (huyện Quan Hóa), chia sẻ: “Chúng tôi được nâng cao năng lực về quản lý và phát triển tổ nhóm nông dân, hỗ trợ máy móc để mở xưởng sơ chế, thu nhập người lao động tại xưởng được 200.000đ/1 người/1 ngày. Đời sống của bà con chúng tôi đã chuyển biến và khác biệt nhiều. Sau khi Dự án kết thúc, chúng tôi vẫn tự tin duy trì được.”
---------------
Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam” (SCBV) do Liên minh Châu Âu tài trợ, thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam, ICAFIS, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).