
Khách tham quan gian trưng bày các sản phẩm từ tre, do các HTX và doanh nghiệp tham gia dự án sản xuất
Sáng 23/3, dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” đã chính thức khép lại sau 5 năm đồng hành cùng bà con, doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách trong mục tiêu giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam, thông qua phát triển các chuỗi giá trị bền vững và toàn diện.
Buổi hội thảo mở đầu xúc động với thước phim ngắn điểm lại hành trình của dự án. Hơn 150 đại biểu đã được gặp lại những người sản xuất nhỏ nhờ dự án mà cải thiện thu nhập, những lãnh đạo tổ nhóm nhiệt huyết dẫn dắt bà con khai thác bền vững đạt chứng chỉ quốc tế, hay những doanh nghiệp “lột xác” sau khi chuyển hướng kinh doanh bao trùm.
Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, Dự án đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC/ASC dành cho nghêu, FSC dành cho tre. Nông dân trong chuỗi nghêu và tre chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tổ nhóm hoặc hợp tác xã, đổi mới tư duy quản trị, các bên trong chuỗi giá trị được tăng cường kết nối dựa trên thỏa thuận hợp tác sản xuất - thu mua theo tiêu chuẩn bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường.
Sau 5 năm, dự án đã hỗ trợ hơn 34.000 người tăng thu nhập bền vững, 63 doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện chính sách kinh doanh bao trùm. Dự án góp phần tăng xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang Châu Âu 38-40%, xuất khẩu tre tăng 42%.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia, Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh: “Phát triển chuỗi giá trị toàn diện không chỉ hướng đến tăng thu nhập của từng tác nhân trong chuỗi, mà còn là chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các bên. Từ đó, người sản xuất nhỏ sẽ được hưởng lợi ích công bằng từ tăng trưởng. Đó là động lực để họ phát huy vai trò chủ thể của những thực hành sản xuất bền vững.”
Ông Jesus Laviña, Phó trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhận định: “Mặc dù Việt Nam có những ưu thế hơn các đối thủ cạnh tranh và xác định EU là một trong các đối tác thương mại chính của Việt Nam trong tương lai, những thách thức trên bối cảnh toàn cầu trong thời gian gần đây (Đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Ukraine) đã ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả.
Để giữ được lợi thế của mình, Việt Nam cần cạnh tranh về chất lượng, bao gồm cả các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, và cần giữ được lòng tin của các khách hàng quốc tế. Dự án rất phù hợp và đúng thời điểm.”
----------------
Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ, thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dự án được thực hiện từ 2018-2023, tại Nghệ An, Thanh Hóa (tre) và Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre (nghêu).