Hướng tới nền kinh tế Nhân văn tại Việt Nam

Nền Kinh tế Nhân văn đo lường những gì thực sự có ý nghĩa

Viết bởi Max Lawson, Trưởng bộ phận Chính sách Bất bình đẳng, Oxfam International

Phương thức vận hành nền kinh tế của chúng ta cần phải thay đổi trên phạm vi toàn cầu. Mô hình kinh tế hiện nay, được biết đến dưới tên gọi chủ nghĩa tân tự do, đang khiến bất bình đẳng ngày càng trở nên trầm trọng. 26 người sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số nghèo nhất của nhân loại. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã thất bại, hàng triệu người đang phải làm các công việc bấp bênh với đồng lương bèo bọt. Đại dịch COVID-19 làm lộ rõ những điểm yếu chết người trong mô hình kinh tế hiện nay. Vì vậy, Oxfam đề xuất một mô hình kinh tế mới, với tên gọi Nền Kinh tế Nhân văn.

Tại Việt Nam, 20 năm vừa qua chứng kiến những thành tựu kinh tế vượt bậc, đặc biệt là thành tích giảm nghèo ấn tượng. Cuộc sống của nhiều người dân có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang vấp phải nhiều thách thức lớn trong việc đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Nghiên cứu của Oxfam năm 2017 đã chỉ ra rằng thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, và chấm dứt nghèo cùng cực.1 Đã đến lúc Việt Nam cần chọn cho mình một hướng đi mới, chuyển dịch sang Nền Kinh tế Nhân văn.

Nền Kinh tế Nhân văn khác với mô hình kinh tế hiện tại như thế nào? Điều này có ý nghĩa gì đối với Việt Nam?

Nền Kinh tế Nhân văn đo lường những gì thực sự có ý nghĩa. Sử dụng GDP làm thước đo cho sự phát triển của nền kinh tế như hiện nay đã hoàn toàn lỗi thời và không còn phù hợp. Nền Kinh tế Nhân văn sẽ đo lường những yếu tố mà GDP đang bỏ qua. Đó là khoảng cách tăng trưởng giữa người giàu và người nghèo. Đó là thước đo rộng hơn về phúc lợi, nghèo đa chiều, và tính tới những yếu tố gây tổn hại tới sự bền vững của môi trường. Đó cũng là việc nhận diện và phân bố lại hàng triệu giờ làm công việc chăm sóc không được trả lương của hàng triệu phụ nữ mỗi ngày. Đo lường những gì thực sự có ý nghĩa là yếu tố cốt lõi giúp hoạch định một nền kinh tế tiến bộ và bình đẳng hơn. Nền Kinh tế Nhân văn sẽ đặt lợi ích của con người và hành tinh lên trên lợi nhuận. Mô hình này hình thành nên hệ thống kinh tế và xã hội thành công, nơi mà con người là trung tâm của tư duy kinh tế; hoạt động kinh doanh và thị trường mang lại lợi ích cho số đông, chứ không chỉ một số ít những người giàu; và những giới hạn của hành tinh và môi trường không bị xâm phạm, trong khi những nền tảng xã hội vẫn được đảm bảo.

Nền Kinh tế Nhân văn chú trọng tới việc chấm dứt tình trạng tài sản tập trung quá mức vào số ít người. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến sự giàu lên nhanh chóng của một nhóm nhỏ trong xã hội.

Việc tập trung quá nhiều tài sản vào tay một số ít người là điều không tốt trong bất kỳ một xã hội nào. Nền Kinh tế Nhân văn sẽ tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này, từ đó giảm bất bình đẳng. Hướng đi chủ đạo để đạt được điều này là dựa vào hệ thống thuế lũy tiến, khi những người giàu nhất đóng thuế một cách công bằng. Ví dụ như đánh thuế vào tài sản thừa kế, loại thuế mà Việt Nam chưa áp dụng, là chìa khóa để xây dựng xã hội công bằng hơn. Nếu không, nhóm giàu ngày hôm nay sẽ trở thành tầng lớp quý tộc của ngày mai. Điều này sẽ gây hại cho nền kinh tế.

Nguồn thu từ thuế có thể được sử dụng để xây dựng hệ thống giáo dục và y tế phổ quát miễn phí cho tất cả mọi người. Chi phí y tế và giáo dục tư nhân bòn rút nặng nề túi tiền của người dân Việt Nam. Hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát miễn phí sẽ làm vơi đi đáng kể nỗi lo của người dân mỗi khi ốm đau. Đầu tư vào hệ thống giáo dục công chất lượng tốt đồng nghĩa với việc người dân sẽ không phải chi trả chi phí học trường tư, và con em của những gia đình nghèo sẽ có cơ hội ngang bằng với những trẻ em thuộc tầng lớp giàu có.

Rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, đang làm những công việc bấp bênh, tay nghề kém và mức lương thấp. Đây là tình trạng chung của nhiều người dân Việt Nam, khi đồng lương tối thiểu không đủ giúp họ thoát nghèo. Công việc của họ chủ yếu là may vá quần áo, giày dép để cung cấp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các cổ đông, nhưng họ chỉ nhận được mức lương rẻ mạt.

Điều này cần phải thay đổi. Nền Kinh tế Nhân văn sẽ đảm bảo người dân có được công việc tử tế và mức lương đủ sống. Các quốc gia với mức lương đủ sống và công đoàn mạnh luôn nằm trong số những đất nước tiến bộ và bình đẳng nhất thế giới. Cùng với đó, chúng ta cần có các mô hình và cách tiếp cận kinh doanh mới, mang lại sự phát triển bền vững và toàn diện. Việt Nam nên học từ chính những kinh nghiệm của mình và từ những tấm gương tốt trên thế giới, nhằm tạo điều kiện cho các mô hình doanh nghiệp mới, không đặt lợi nhuận cho cổ đông lên hàng đầu.

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều yếu tố của Nền Kinh tế Nhân văn. Chúng ta có thể thấy rõ ràng là việc tiếp tục theo đuổi hướng đi cũ, với cách tiếp cận kinh tế giống như trước đây, không còn là sự lựa chọn đúng đắn. Đã đến lúc chúng ta cần một cách tiếp cận mới, trên cả quy mô toàn cầu và tại Việt Nam, nhằm giải quyết khoảng cách quá lớn giữa người giàu và người nghèo, sự phân hóa trong xã hội và tình trạng bất ổn. Một nền Kinh tế Nhân văn được xây dựng dành cho đa số, chứ không chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ, sẽ chấm dứt tình trạng bất bình đẳng và vĩnh viễn xóa bỏ đói nghèo. Một Nền Kinh tế Nhân văn sẽ bảo vệ môi trường cho các thế hệ tiếp theo.