“Ở những xã hội mà khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp, phụ nữ cũng sẽ được đối xử bình đẳng hơn.”
Khối tài sản khổng lồ hiện nay được xây dựng trên sự phân biệt giới tính. Hệ thống kinh tế hiện nay do những người đàn ông giàu có và quyền lực thống trị. Luật chơi là do họ tạo ra và phần lớn lợi ích cũng là do họ hưởng. Trên toàn thế giới, nam giới sở hữu nhiều hơn phụ nữ 50% khối tài sản.
Phụ nữ đang đóng góp vào nền kinh tế thị trường nhưng được coi như nguồn lao động giá rẻ và miễn phí. Phụ nữ đang hỗ trợ thực hiện những công việc chăm sóc mà đáng lẽ ra là trách nhiệm của dịch vụ công.
Theo tính toán của Oxfam, công việc chăm sóc không lương của phụ nữ đang đóng góp ít nhất 10,8 nghìn tỷ đô la mỗi năm vào nền kinh tế toàn cầu, gấp ba lần ngành công nghệ.
Công việc chăm sóc rất quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế. Công việc này bao gồm chăm sóc con cái, người cao tuổi, người bị bệnh hoặc khuyết tật về thể chất và tinh thần, cũng như các công việc nhà như nấu ăn, lau dọn, giặt giũ, may vá, lấy nước và chẻ củi. Nếu không có người đầu tư thời gian, nỗ lực và nguồn lực vào các công việc thiết yếu hằng ngày này, cộng đồng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế sẽ ngưng trệ.

Chính phủ trên toàn thế giới có thể và có nghĩa vụ xây dựng Nền Kinh tế Nhân văn bảo vệ quyền lợi người phụ nữ. Cần tạo dựng một thế giới nơi tất cả mọi người đều có công việc ổn định với mức lương thỏa đáng, nơi không ai phải sống trong lo lắng về những chi phí sẽ đổ xuống nếu chẳng may đau ốm, và nơi mọi trẻ em đều có cơ hội phát huy tiềm năng của mình.
Nền kinh tế bình đẳng giới là nền tảng của Nền Kinh tế Nhân văn, và khía cạnh cốt lõi của Nền Kinh tế Nhân văn là xác định toàn diện vai trò của công việc chăm sóc không được trả lương hoặc không được trả lương thỏa đáng. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi cách thực hiện công việc chăm sóc và đánh giá đúng giá trị của công việc này, chúng ta mới có thể xây dựng nên một thế giới bình đẳng hơn.
Bình đẳng giới - tại sao còn chậm?
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia, Oxfam tại Việt Nam
Ở những xã hội mà khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp, phụ nữ cũng sẽ được đối xử bình đẳng hơn.
Các khuôn mẫu và định kiến xã hội khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi và không thể tận dụng các cơ hội giáo dục, chính trị và kinh tế. Nghiên cứu “Định kiến giới đối với lãnh đạo nữ” của Oxfam đã chỉ ra nhiều rào cản hạn chế khả năng của phụ nữ trong việc đảm đương các vị trí lãnh đạo. Một trong số những rào cản là thái độ định kiến của các cử tri đối với lãnh đạo là phụ nữ, điều này có thể là nguyên do tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử như Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân còn thấp. Các cử tri áp dụng tiêu chuẩn kép khi quyết định có nên lựa chọn một ứng cử viên là nữ hay không. Họ kỳ vọng một nữ lãnh đạo trước hết phải hoàn thành vai trò làm mẹ, làm vợ trước khi đảm đương trách nhiệm công việc; hoặc họ nhìn nhận về hình mẫu một người phụ nữ thành công trong xã hội đương thời Việt Nam là những lãnh đạo nữ vừa phải “đảm việc nhà” như phụ nữ truyền thống, vừa phải “giỏi việc nước” như phụ nữ hiện đại.
Thái độ của nhiều doanh nghiệp đã có sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều điều phải làm, đặc biệt các công ty cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho việc xây dựng chính sách toàn diện về giới trong vận hành doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Oxfam đã triển khai nhiều nghiên cứu (và lượng hóa), kết quả các nghiên cứu đều chứng minh rằng sự thịnh vượng của nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào sự đóng góp khổng lồ nhưng không được công nhận của phụ nữ làm các công việc chăm sóc không lương. Nếu toàn bộ công việc chăm sóc không lương trên thế giới được thực hiện bởi một công ty duy nhất, công ty này sẽ có doanh thu hàng năm là 10 nghìn tỷ đô la, gấp 43 lần doanh thu của Apple.
Việt Nam là một địa điểm được các nhà tài trợ quốc tế lựa chọn và liên tục hỗ trợ để đạt được bình đẳng giới. Trong nhiều thập kỷ, bình đẳng giới là vấn đề nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức nước ngoài. Nhờ vậy, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể cả về chính sách và thực hành về giới - Luật Bình đẳng giới Việt Nam năm 2005 là một trong những văn bản pháp luật về giới tiến bộ nhất châu Á. Nhưng xu hướng này đang dần hạ nhiệt khi các nguồn tài trợ và hỗ trợ đã không còn hoặc sụt giảm, hoặc đầu tư hiện chỉ tập trung vào việc tăng quyền năng kinh tế. Điều này kéo lùi tiến trình phát triển, khiến những cán bộ và chuyên gia công tác trong lĩnh vực thúc đẩy bình đẳng giới lo ngại rằng những thành tựu đạt được đang dần biến mất.