Ngày 1-2/8/2023, 17 đơn vị nhận tài trợ từ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) đã tham gia Chương trình tập huấn đầu tiên về Quản lý dự án. Tham dự Chương trình tập huấn là 61 đại biểu đến từ 6 tỉnh thành phố địa bàn của Quỹ JIFF. Từ phía cơ quan nhà nước có sự tham gia của Ông Đào Quý Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Giám đốc Ban Quản lý dự án (EU JULE), Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Thành viên Ban xét duyệt của Quỹ JIFF, Chuyên viên Cấp cao Vụ Tổ chức Phi chính phủ, Bộ Nội vụ; và đại diện từ Ban điều phối Viện trợ nhân dân (PACCOM).
Khai mạc tại buổi tập huấn, Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc nắm bắt được những kiến thức và củng cố năng lực trong quản lý dự án nói chung và quản lý tài chính nói riêng. Đó là lý do nội dung tập huấn quản lý dự án luôn được đặt lên hàng đầu trong chuỗi sự kiện các buổi tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị trong mỗi đợt tài trợ.
Qua 2 ngày tập huấn, các đơn vị nhận tài trợ đợt 4 đã có không gian để chia sẻ, thảo luận nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc quản lý dự án, quản lý tài chính; thực hành giám sát, đánh giá và học hỏi (MEL); tìm hiểu các chính sách bảo vệ (Safeguarding); cập nhật quy định về truyền thông. Tham gia đợt tập huấn lần này cũng giúp các cán bộ dự án tại các đơn vị có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Trong bài phát biểu tại buổi tập huấn, ông Đào Quý Lộc đã có một bài trình bày rất cụ thể về các nguyên tắc, cơ chế thực hiện, giám sát và báo cáo thực hiện dự án cùng với các quy định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. Qua đó, ông khẳng định về tầm quan trọng trong việc thực hiện đúng, đủ và tuân thủ các quy tắc, quy định của pháp luật Việt Nam, của nhà tài trợ và dự án. Bên cạnh đó, Ông Lộc cũng đề cao vai trò, trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, hành chính của Ban Thư ký Quỹ JIFF đối với việc theo dõi, giám sát và hỗ trợ các đơn vị thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ và kết quả đạt được trong 4 kết quả của dự án.
Quá trình thảo luận trong buổi tập huấn diễn ra tích cực, các sáng kiến về quản lý, giám sát dự án trong dự án nhỏ, thời gian ngắn cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Chị Lê Thị Sâm cán bộ trung tâm CEGORN đã chia sẻ cách đơn vị cử các cán bộ của các dự án khác nhau trong đơn vị giám sát chéo các dự án khác. Cách làm này vừa giúp giảm chi phí nhân sự, vừa giúp cán bộ có thể học hỏi lẫn nhau. Chị Phạm Thị Thảo - Cán bộ tài chính của Oxfam cũng có mặt và hỗ trợ các bài tập thực hành về quản lý tài chính.
Theo luật sư Trịnh Văn Chiến – Giám đốc trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS chia sẻ: “Trước đến giờ, tôi thường hay nghĩ khi làm dự án thì chỉ triển khai đúng hoạt động như đã thiết kế là xong, nhưng chưa nghĩ tới việc phối hợp với các chương trình, hoạt động của cơ quan địa phương. Cách làm này sẽ giúp các bên chia sẻ và học hỏi từ nhau được nhiều hơn, đồng thời sử dụng nguồn lực con người, tài chính hiệu quả hơn.”
Ông Phạm Mậu Tài – Giám đốc trung tâm RDPR chia sẻ: “Tôi thấy quan điểm về việc phải tạo môi trường an toàn và điều kiện thuận lợi cho các nhóm yếu thế tham gia dự án, và tăng cường hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án là rất hay. Đây là điểm mới mà tôi học được”.
Tiến sĩ Đào Gia Phúc từ trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) có đôi lời phát biểu: “Việc hiểu rõ bối cảnh của dự án rất quan trọng, vì nó liên quan tới các hoạt động can thiệp phía sau. Để hiểu bối cảnh, chúng ta cần phải đến tận nơi khảo sát. Đây chính là kinh nghiệm của chúng tôi khi thiết kế dự án, các thông tin và số liệu có thể cho ta một bức tranh rất khác so với thực tế. Ví dụ việc thiết kế một app điện thoại để hỗ trợ thông tin pháp luật cho người dân, nhưng có những vùng không có sóng, có nơi người truy cập dùng điện thoại Android còn cán bộ địa phương hoặc tư vấn pháp luật lại dùng IOS, v.v... ”
Ban Thư ký Quỹ JIFF sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các đơn vị trang bị kiến thức và nâng cao năng lực cho các đơn vị nhận tài trợ ở nhiều mảng khác nhau như nghiên cứu, truyền thông, bình đẳng giới v.v… thông qua các buổi tập huấn tiếp theo để các sáng kiến, dự án đạt được hiệu quả tối ưu và thành công nhất.
17 Sáng kiến tư pháp nhận tài trợ lần 4 của Quỹ JIFF nằm trong chủ đề “Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp cho các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo”, dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 78.000 người hiểu biết tốt hơn về pháp luật và tư pháp.
Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến tư pháp (EU JULE JIFF), do Oxfam tại Việt Nam quản lý, là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận. Các sáng kiến do Quỹ JIFF tài trợ được triển khai ở 6 tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.