
Đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đến thăm thực tế cơ sở chế biến chè đang áp dụng công nghệ VCBG
Ngày 13/4/2022, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã có chuyến làm việc tại tỉnh Thái Nguyên trong khuôn khổ dự án BEST và thăm mô hình trình diễn công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (gọi tắt là VCBG) tại huyện Đại Từ.
Đại diện cho Phái đoàn có ông Koen Etienne M.Duchateau, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác Phát triển, và ông Hoàng Thành, Quản lý Chương trình. Đi cùng đoàn còn có tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS).
Trong chuyến thăm, Phái đoàn Liên minh Châu Âu đã có các buổi làm việc với đại diện Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Đại Từ để cập nhật tiến độ triển khai dự án BEST và trao đổi về tiềm năng hợp tác, đóng góp của dự án đối với định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh. Chính quyền địa phương và đoàn công tác đánh giá cao tính phù hợp của dự án với chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng của Việt Nam và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong bối cảnh Việt Nam gần đây đã cam kết mục tiêu giảm phát thải bằng 0 tại COP26. Hai bên cùng khẳng định dự án BEST là điển hình của mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy tái sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông lâm nghiệp dồi dào của địa phương làm nhiên liệu trong chế biến nông sản. Ông Koen Duchateau nhận định, mặc dù tiến độ dự án bị chậm so với kế hoạch do đại dịch Covid-19 và sức cản trong áp dụng công nghệ mới, dự án BEST đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Ông cũng cho rằng những hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương cũng như sự hợp tác tích cực giữa chính quyền, sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân, và các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội là hai trong số những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của dự án. Các bên cùng thống nhất sẽ đẩy nhanh triển khai các hoạt động, tăng cường truyền thông thúc đẩy áp dụng công nghệ VCBG trong thời gian tới. Ngay tại buổi làm việc với UBND huyện Đại Từ, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân huyện, đã chỉ đạo các phòng ban phối hợp với dự án để tổ chức sự kiện truyền thông ngay trong tháng 4/2022 nhân tháng hành động về an toàn thực phẩm.
Sau buổi làm việc với đại diện các cấp chính quyền, đoàn công tác đã thăm thực tế cơ sở chế biến chè đang áp dụng công nghệ VCBG, gồm Hợp tác xã (HTX) Trần Nam và HTX An Vân Trà. Đại diện các HTX đã phản hồi rất tích cực về những lợi ích mà công nghệ VCBG mang lại. Điển hình là cơ sở Trần Nam, từ ngày áp dụng VCBG HTX đã tiết kiệm được 10 – 15 triệu tiền gas mỗi tháng. Ngoài ra, công nghệ VCBG không tạo khói bụi, giúp cho sản phẩm chế biến không bị ám khói, ám bụi, tạo môi trường làm việc an toàn cho người sản xuất, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tại xưởng cơ khí Hồng Thắng, ông Nguyễn Hồng Thắng, chủ cơ sở, rất tâm huyết chia sẻ về hành trình tham gia dự án, được đào tạo về công nghệ, chuyển giao quy trình chế tạo thiết bị VCBG, nghiên cứu và cải tiến dây chuyền chế biến chè để có thể ứng dụng VCBG. Ông Thắng cho biết ông rất đam mê với công nghệ này, luôn không ngừng tìm hiểu và sáng tạo cải tiến các thiết bị cơ khí. Cơ sở của ông đã sản xuất và có nhiều đơn đặt hàng thiết bị VCBG từ các cơ sở trong và ngoài tỉnh. Bắt đầu hoạt động từ năm 1994, với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Thắng đánh giá rất cao về tiềm năng công nghệ VCBG, phù hợp với nhiều ngành chế biến nông sản. Ông cho biết sẽ tiếp tục cải tiến các máy móc thiết bị chế biến nông sản hiện tại để có thể áp dụng/ kết hợp/ đưa thiết bị VCBG vào sử dụng.
Tham quan cơ sở chế biến sinh khối, đoàn công tác nhận thấy tiềm năng của dịch vụ cung cấp nhiên liệu sinh khối là rất lớn. Nhiên liệu sinh khối rất cần thiết đối với các cơ sở chế biến nông sản, nhất là các cơ sở đang áp dụng công nghệ VCBG. Sinh khối là phế phụ phẩm nông lâm nghiệp chưa được sử dụng hợp lý, thậm chí bị vứt bỏ hoặc đốt với số lượng lớn gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường sống, phát thải khí nhà kính. Việc thu gom, chế biến và tiêu thụ sinh khối có ý nghĩa rất lớn đối với việc quản lý phế phụ phẩm, góp phần giảm ô nhiễm, giảm thiểu biến đổi khí hậu, và quan trọng hơn gia tăng thu nhập cho người dân tại địa phương. Có thể nói rằng sinh khối là một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, dễ tiếp cận, không bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Các thành viên của đoàn cùng với đại diện của địa phương đã được tận mắt thấy được sự phấn khởi của các nhóm đối tượng hưởng lợi, thấy rõ lợi ích của việc áp dụng công nghệ VCBG, lợi ích của dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển dịch năng lượng bền vững, nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Thái Nguyên.