“Đã có kinh nghiệm phụ trách nên tự tin hơn. Nếu có dự án khác, chị tự tin chị làm được.”
Là một người mẹ đơn thân với dị tật ở chân và mắt bẩm sinh, chị Nguyễn Thị Phú (thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình) đã vượt qua sự e dè, nhút nhát của bản thân để hoàn thành tốt vai trò giám sát viên kiêm chấm công cho bà con trong thôn tham gia Lao động đổi công – một hoạt động trong dự án Cứu trợ Nhân đạo và Phục hồi sau lũ miền Trung của tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng Hà Tĩnh đồng thực hiện từ nguồn tài trợ của Liên minh Cứu trợ Hà Lan trực thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan.
Dưới cái nắng chiều chói chang tại thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng (Tuyên Hoá, Quảng Bình), chẳng khó để bắt gặp vóc dáng nhỏ nhắn cùng nụ cười thường trực trên môi của cô giám sát viên Nguyễn Thị Phú, đang cùng bà con trong thôn hăng say lao động đổi công.
“Sáng từ 7 – 11h, còn chiều từ 2-5h mỗi ngày. Bà con làm còn mình đi theo giám sát và chấm công cho họ.” Chị Phú chia sẻ thêm về công việc đặc biệt này của mình.

Chị Phú giúp theo dõi và hoàn thành bảng chấm công cho các hộ khác
Là mẹ đơn thân nuôi 2 đứa con, cùng dị tật bẩm sinh ở chân và mắt, chị Nguyễn Thị Phú được bình xét tham gia chương trình lao động đổi công. Giống như chị, cả 36 hộ được lựa chọn tại Cao Quảng đều là những hộ thiệt hại nặng nề do lũ năm 2020, hộ phụ nữ đơn thân, có người khuyết tật hay dân tộc thiểu số.
“Trước khi bắt đầu, cán bộ dự án thông báo là cần một người giám sát và chấm công cho bà con. Buổi sáng hôm ấy, toàn bộ các hộ tham gia chương trình cùng họp mặt để bình xét. Chắc thấy công việc này phù hợp với mình do sẽ ít phải vận động hơn hay sao ấy, 100% mọi người ở đó nhất trí bầu mình làm.”, chị Phú phấn khởi khi nhớ lại.
“Nói vậy thôi chứ cũng vất vả lắm. Các hộ còn luân phiên làm rồi nghỉ, mình thì đâu có dám nghỉ buổi nào đâu. Cố gắng đánh [dấu] đúng, công bằng để bà con nhận đúng công sức của mình. Nhiều lúc mệt, nhưng mà vui.”, chị Phú cười.
Chỉ vài ngày nữa, con đường nhỏ của thôn Cao Cảnh sẽ được hoàn thành tu sửa, giúp người dân trong thôn đi tới khu cánh đồng sản xuất hoa màu dễ dàng hơn, tốn ít thời gian hơn. Nhưng công trình này không phải thay đổi duy nhất mà chương trình lao động đổi công đem lại cho địa phương.

Người dân tham gia chương trình “Lao động đổi công” tại thôn Cao Cảnh
“Cái lúc được bầu làm giám sát viên, nghĩ khó quá, không biết có làm nổi không. Đi lại khó khăn, rồi ngại giao lưu, ngại tiếp xúc...”, chị Phú hồi tưởng. “Sợ chứ… hỏi đi hỏi lại chị Hằng trưởng thôn là có làm được không. Hằng nói chị làm được mà, bà con đến đâu đánh dấu đến đó. Khó ở đâu, hỏi ở đó để được hướng dẫn. Thế rồi chị cũng liều, cũng xung phong đi làm.” Được động viên kịp thời cán bộ thôn, từ một người e dè, nhút nhát, chị Phú đã mạnh dạn đảm nhiệm công tác tổ nhóm địa phương đầu tiên trong suốt 40 năm sinh sống.
Biết chân chị yếu, đi lại khó, cán bộ thôn xuống tận nhà hỗ trợ chị di chuyển tới điểm lao động thời gian đầu. “Thì mình cũng phải cố gắng làm thật tốt để đáp lại nhiệt tình của cán bộ, sự tin tưởng của bà con thôn thôi”, chị Phú vui vẻ nói.

Chị Phú thực hành rửa tay vệ sinh
Là xã miền núi đặc biệt khó tiếp cận bởi địa hình núi đá bao vây, Cao Quảng gặp nhiều khó khăn hơn các xã khác trên địa bàn huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình để phục hồi sau cơn bão lịch sử tháng 10/2020. Hoạt động lao động đổi công của dự án “Cứu trợ khẩn cấp” do Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm HCCD thực hiện, tài trợ bởi Liên minh cứu trợ Hà Lan trực thuộc Bộ ngoại giao Hà Lan đã tạo điều kiện cho bà con tái thiết xây dựng lại cuộc sống bằng chính sức lao động của mình, đồng thời hỗ trợ họ có việc làm phù hợp và tăng thu nhập để phục hồi sinh kế từ chính công sức họ bỏ ra.
“Biết ơn dự án lắm. Nhờ có dự án mà vừa có tiền, vừa có đường đi đẹp. Ở nhà còn được nhận tiền mặt không điều kiện, bộ dụng cụ vệ sinh phụ nữ, bồn chứa nước, thau, gáo, xô đựng nước, được đi học rửa tay khử khuẩn, phòng chống Covid-19. Cái gì cũng thiết thực hết!” chị Phú vui vẻ nói.
“Giờ thì không thấy có gì khó khăn nữa. Đã có kinh nghiệm phụ trách nên tự tin hơn. Nếu có dự án khác, chị tự tin chị làm được. Dám chứ có gì đâu mà không dám!” (cười)
Cao Quảng, Tuyên Hoá, một ngày tháng 4/2021