Trong bối cảnh khu vực ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng kinh tế chưa từng có, việc giảm thu ngân sách từ thuế sẽ làm cho tất cả các nước thành viên gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư cho phúc lợi công, theo báo cáo công bố hôm nay.
Báo cáo “Hướng tới Chính sách Thuế Bền vững trong khối ASEAN: Trường hợp Ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp” khuyến nghị khối ASEAN cần đưa ra cam kết chính trị ở cấp cao nhất để cải thiện các chính sách và hành động nhằm tăng thu ngân sách, để đầu tư cho các dịch vụ công như y tế và giáo dục. Báo cáo được công bố hôm nay tại Hà Nội bởi Tổ chức Oxfam, Liên minh Thuế và Công bằng Tài chính châu Á (TAFJA), tổ chức PRAKARSA và Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Việc tăng thu ngân sách của các chính phủ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức như tỉ lệ đói nghèo cao, gia tăng bất bình đẳng và khủng hoảng khí hậu, đồng thời phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19.
Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, toàn khu vực có 73,57 triệu (11%) trên tổng số 653,9 triệu người đang đối mặt với đói nghèo, con số này có thể sẽ tăng lên rất nhanh khi hàng loạt các hoạt động kinh tế bị đình trệ và quá trình phục hồi kéo dài. Đại dịch làm cho cuộc sống của những người lao động công nhật, nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phụ nữ làm những công việc bấp bênh vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Các Chính phủ chưa đầu tư đúng mức cho phúc lợi công và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ có khả năng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách trong năm 2020 với mức trung bình khoảng 4,2% GDP. Một số quốc gia trong khu vực còn có mức nợ công lớn. Với áp lực ngân sách ngày càng tăng cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh cùng với các hậu quả kinh tế mà nó gây ra, thực trạng thất thu thuế vì sản xuất tê liệt, mức thâm hụt ngân sách và nợ công nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên.
“Đây chính là thời điểm ASEAN và các nước thành viên tăng cường hợp tác và thống nhất với nhau về tiêu chuẩn tối thiểu chung đối với ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong khu vực. Các Chính phủ cần ngăn chặn các thực hành thuế có hại gây thất thu ngân sách, mất đi nguồn lực để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nước thành viên”.
“Những ưu đãi thuế này mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn lớn mà bỏ qua phúc lợi của người dân châu Á. Việc làm này cần phải được chấm dứt. ASEAN cần đưa ra một danh sách đen về các loại hình ưu đãi thuế không được phép sử dụng; đồng thời tạo một ranh giới rõ ràng và nói không với những thực hành thuế có hại đang gây xói mòn ngân sách quốc gia. Nếu cần thiết, chỉ cho phép áp dụng ưu đãi thuế cho các đầu tư mang lại lợi ích cho người dân và không được áp dụng cho một ngoại lệ nào khác.” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Liên minh công bằng thuế Việt Nam, cho biết.
Ông Ah-Maftuchan – Điều phối viên Liên minh Thuế và Công bằng Tài khóa châu Á bổ sung: “Các quốc gia thành viên ASEAN cần phối hợp loại bỏ các chính sách thuế có lợi cho nước mình nhưng có hại cho nước láng giềng, chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế gây thất thu ngân sách, khiến cho người dân các quốc gia nghèo hơn thêm khó khăn trong cuộc sống”.
Trên cơ sở kinh nghiệm của khu vực ASEAN cũng như các khu vực khác trên thế giới và xem xét các trường hợp cụ thể trong khối ASEAN, báo cáo đưa ra ba khuyến nghị. Ngoài việc cần xây dựng danh sách đen và danh sách trắng về ưu đãi thuế để loại bỏ các thực hành thuế có hại, ASEAN cần đạt được đồng thuận về một mức chuẩn chung về thuế tối thiểu. Đồng thời, ASEAN cần xây dựng các quy định về quản trị tốt các ưu đãi thuế.
Tỉ lệ thu ngân sách trên tổng GDP của khối ASEAN vẫn ở mức rất thấp so với các khu vực khác. Năm 2018, tỉ lệ này của ASEAN trung bình là 19,1% GDP - thấp hơn một nửa mức trung bình của các quốc gia trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Con số này cũng thấp hơn mức trung bình của khu vực châu Mỹ La tinh và Ca-ri-bê.
“Trên tinh thần bình đẳng và hợp tác, các quốc gia thành viên ASEAN cần hợp tác để xây dựng hệ thống thuế công bằng và bền vững hơn nhằm tạo điều kiện để mỗi quốc gia thành viên thu đủ ngân sách cho phát triển kinh tế, văn hoá và xã hội.
“Là một cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng, các quốc gia thành viên có thể huy động thêm nguồn lực cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục và các phúc lợi công khác, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang vật lộn để vượt qua đại dịch và đói nghèo” – Ông Tony Salvador, Nghiên cứu viên về Pháp lý tại Third World Network, một thành viên Hội đồng điều phối của TAFJA nhấn mạnh.
//hết.
Dành cho biên tập viên:
Báo cáo “Hướng tới Chính sách Thuế Bền vững trong khối ASEAN: Trường hợp Ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp” công bố trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 có thể được tải về tại: https://asia.oxfam.org/latest/policy-paper/towards-sustainable-tax-policies-asean.
Sự kiện công bố báo cáo sẽ được phát trực tiếp lúc 14h (GMT+7) ngày 25/06 tại: https://www.facebook.com/OxfaminAsia.
Giới thiệu các đối tác dự án:
Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.
Tại Việt Nam, Oxfam nỗ lực hoạt động tạo ra những chuyển biến tích cực trong chính sách, thực hành và niềm tin, từ đó cải thiện căn bản đời sống của nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương, và đảm bảo tất cả công dân cùng có cơ hội được hưởng quyền của mình. Chúng tôi đóng góp cho những thảo luận về vấn đề bất bình đẳng trên toàn cầu và tại Việt Nam. Hoạt động của Oxfam tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, lương thực bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên, và quản trị tốt.
Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam là tập hợp các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu cùng chia sẻ tầm nhìn thúc đẩy các chính sách thuế tiến bộ vì công bằng xã hội và một Việt Nam phát triển bền vững. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) là cơ quan điều phối của Liên minh Công bằng Thuế. Sứ mệnh của VEPR là thực hiện các nghiên cứu kinh tế và chính sách nhằm giúp nâng cao chất lượng ra quyết định của các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích, dựa trên sự thấu hiểu bản chất của những vận động kinh tế và quá trình điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam
PRAKARSA là một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Jakarta, Indonesia. PRAKARSA nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng và sáng kiến thông qua kiến tạo tri thức, hợp tác cùng các tổ chức phát triển ở cấp quốc gia và toàn cầu nhằm thúc đấy công bằng tài khoá, hướng tới xã hội bền vững và thịnh vượng.
Liên minh Thuế và Công bằng Tài chính châu Á (TAFJA) là một mạng lưới các tổ chức xã hội vận động cho công bằng thuế và tài chính tại châu Á