Trẻ em không phải là những cá nhân thụ động và ít tạo ra ảnh hưởng tới xã hội. Khi được định hướng đúng đắn, trao quyền và khuyến khích hành động, các em có thể là những hạt nhân thay đổi tại gia đình và cộng đồng. Trong sáu năm điều phối Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF) (2018 - 2024), Oxfam tại Việt Nam đã làm việc với nhiều tổ chức và dự án hoạt động vì quyền của trẻ em, gặp gỡ những nhóm bạn trẻ đang tích cực nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề xã hội.
Giáo dục giới tính, một chủ đề “khó nói”, được CLB TEEN YEEU 24H tiếp cận một cách sáng tạo và hiệu quả qua giáo dục đồng đẳng. Hoạt động nằm trong sáng kiến “MÔ HÌNH CLB TEENYEEU 24H - thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” do Viện Dân số, gia đình và trẻ em (IPFCS) và Trung tâm Trẻ Em và Phát triển (CCD) triển khai tại Hà Nội và Quảng Bình (06/2023 - 05/2024). Đội ngũ học sinh nòng cốt của CLB ở bốn trường THPT trên địa bàn dự án đã được đào tạo về các chủ đề giới và giới tính, kỹ năng tổ chức và vận hành CLB, cách thức tham gia góp ý chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng sự đồng hành của các chuyên gia và thầy cô, các bạn đã tự tin dẫn dắt nhiều hoạt động giáo dục pháp luật quy mô lớn cho hàng trăm bạn học khác, xây dựng các bộ Info nhận diện khuôn mẫu giới cho học sinh, cha mẹ, giáo viên, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật bình đẳng giới. Cùng các hoạt động khác trong dự án, các bạn đã góp phần phổ biến kiến thức về giới và tình dục cho gần 6.000 học sinh tại địa bàn dự án sau một năm.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) tham gia một hoạt động truyền thông do CLB TEENYEEU 24H tổ chức
Liên quan đến chủ đề bảo vệ nguồn nước, sáng kiến “Nâng cao hiểu biết về giá trị tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm và tái sử dụng nước trong sinh hoạt” đã khuyến khích các em học sinh tại Hà Nội áp dụng tư duy thiết kế (design thinking) trong phân tích và đề xuất các giải pháp sử dụng và bảo tồn nước. Bằng các hoạt động như triển khai website e-ProWater, các trò chơi tương tác và cuộc thi Đại sứ e-ProWater, sáng kiến này đã kết hợp giữa giáo dục và trải nghiệm thực tế, giúp các em tìm hiểu về luật & chính sách bảo vệ tài nguyên nước một cách tự nhiên, đồng thời áp dụng kiến thức vào phát triển những dự án nhỏ tại trường học và cộng đồng. Vai trò của các em không còn là người tiếp nhận thông tin, mà là người người tạo ra thay đổi. Được thực hiện bởi Viện Khoa học Tài nguyên Nước tại 3 trường liên cấp tại Hà Nội, sáng kiến đã nâng cao nhận thức về luật & chính sách bảo vệ tài nguyên nước cho gần 6.500 người sau một năm.

Một buổi tập huấn về sử dụng nước cho các em học sinh tại trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội)
Nằm trong sáng kiến “Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tuyên truyền về Luật Người khuyết tật cho trẻ em” do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội (6/2023 –5/2024) thực hiện, cuộc thi vẽ tranh về người khuyết tật được học sinh tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở quận Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh nhiệt tình hưởng ứng. Đóng góp gần 1.200 tác phẩm đa dạng, các em đã biến những điều luật khô khan về người khuyết tật thành những bức tranh rực rỡ và truyền cảm hứng. Điều này không chỉ nâng cao nhận thức của các em một cách tự nhiên về quyền của người khuyết tật, mà còn biến các em thành hạt nhân lan tỏa tri thức tại gia đình và cộng đồng.

Các em học sinh tham gia triển lãm tranh vẽ về người khuyết tật - Ảnh: DPHN
Các hoạt động và sáng kiến như trên không chỉ hỗ trợ nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh mà còn tạo nên một mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa trẻ em, gia đình và nhà trường. Điều này khuyến khích các em phát triển thành công dân có trách nhiệm, có khả năng đóng góp tích cực và bền vững cho xã hội.
Ngoài ra, kinh nghiệm từ thực hiện các sáng kiến của JIFF cho thấy, cần thiết kế các dự án và chính sách không chỉ nhìn nhận trẻ em như một nhóm cần được bảo vệ, mà còn là những người tham gia tích cực, có khả năng và tiềm năng trở thành các nhân tố thay đổi trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng và triển khai các sáng kiến can thiệp/hỗ trợ, nhấn mạnh vào việc nâng cao quyền năng và phát huy tiềm năng của trẻ em như là các nhà lãnh đạo và nhà đổi mới xã hội ngay từ giai đoạn đầu.
Các sáng kiến nêu trên đã nhận tài trợ từ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF), do Oxfam tại Việt Nam quản lý. Quỹ JIFF là một trong hai hợp phần của dự án “Tăng cường Pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm góp phần tăng cường xây dựng pháp quyền ở Việt Nam thông qua hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận.