Sau bốn năm giới thiệu và xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến nông sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam Dự án BEST đã khép lại với nhiều tiềm năng nhân rộng.
Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam mỗi năm tạo ra khoảng 118 triệu tấn phế, phụ phẩm nông lâm nghiệp, như cành quế, cành keo, vỏ cây, mùn cưa, lõi ngô, v.v (1). Đây là nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng ít được tận dụng và trầm trọng hóa tình trạng rác thải nông thôn.
Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp và hộ gia đình ở vùng miền núi phía Bắc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào bếp sử dụng củi và than để chế biến nông sản, bất chấp những tác động tiêu cực đến sức khỏe người lao động, cộng đồng và môi trường.
Theo nghiên cứu trên 11 hộ của Dự án BEST, nồng độ khí Cacbon monoxit (CO) chiếm 0.81% thể tích trong lượng khí phát thải từ quá trình sao chè bằng củi (2), cao gấp 900 lần tiêu chuẩn đối với khí thải được khuyến cáo trong nhà (0.0009% thể tích). (3) Nồng độ khí CO cao có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.
Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) đã giới thiệu công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (gọi tắt là khí hóa sinh khối) như một giải pháp toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế của các phương pháp chế biến truyền thống. Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững, tại Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang từ 2020 - 2024.
Công nghệ khí hóa sinh khối chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp như cành quế, cành keo, vỏ cây, mùn cưa, lõi ngô,… thành nguồn năng lượng sạch. Công nghệ đốt cháy nhiên liệu trong điều kiện thiếu oxy, sản sinh ra hỗn hợp khí gas; hỗn hợp khí gas này tiếp tục được đốt cháy khi tiếp xúc với nguồn oxy ở nhiệt độ đủ cao. Quy trình vận hành không sinh ra khói.

Áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến chè xanh tại Thái Nguyên.
Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu/Oxfam
Nhằm đánh giá lợi ích và chi phí đối với các hộ sản xuất khi áp dụng công nghệ này, Dự án đã thực hiện nghiên cứu sâu trên 11 hộ chế biến chè xanh trong năm 2024. Theo đó, so với các phương thức chế biến truyền thống như sử dụng củi, bếp gas hay điện, công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến chè xanh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức khỏe cho người dùng, và giảm ô nhiễm môi trường.
Kết quả nghiên cứu của Dự án (4) cho thấy, dùng bếp khí hóa sinh khối trong chế biến chè xanh giúp:
- Tiết kiệm 34% chi phí so với củi, 69% so với bếp gas, và 19% so với bếp điện khi sao sấy một kilogram (kg) chè thành phẩm bằng bếp khí hóa sinh khối sử dụng cành băm.
- Tiết kiệm 50 triệu đồng chi phí nhân công một năm do bếp dễ thao tác, tự động tiếp nhiên liệu, và không cần người vận hành thường trực.
- Chất lượng chè thành phẩm cải thiện và bán được giá hơn, do không bị ám khói, bụi.
- Lượng phát thải carbon ít hơn 48% so với củi nên bảo đảm sức khỏe cho người dùng.
- Ước tính, công nghệ nếu nhân rộng ra toàn tỉnh sẽ giúp tiết kiệm hơn 790 tỷ đồng chi phí khám sức khỏe/năm.
Hiểu được các lợi ích và tiềm năng thị trường công nghệ khí hóa sinh khối, Dự án lựa chọn cách tiếp cận xây dựng và hỗ trợ vận hành một hệ sinh thái bao gồm ba bên là doanh nghiệp/cơ sở chế biến nông sản, cơ sở cơ khí và đơn vị kinh doanh sinh khối. Lấy người dân làm trung tâm, Dự án thường xuyên khảo sát và cải tiến công nghệ để phù hợp với nhiều ngành chế biến nông sản khác nhau như chè xanh, chè đen, sấy lúa, sắn, miến, bánh chưng. Dự án cũng tổ chức nhiều hoạt động như xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ, đào tạo trực tiếp cho các doanh nghiệp và hộ chế biến.
“Trước dùng bếp củi cực lắm, nhưng chuyển sang bếp khí hóa sinh khối khỏe hẳn ra, kinh tế gia đình khá lên, lại có thêm thời gian cho công việc mình yêu thích, đó là làm công tác xã hội”, bà Nguyễn Thị Dự, chủ cơ sở chè Sơn Dự (Thái Nguyên), phấn khởi chia sẻ. Nhiều hộ sản xuất đã tự giới thiệu công nghệ cho bà con xung quanh, góp phần lan tỏa các thực hành tốt.
Để hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động ổn định, bền vững, Dự án khuyến khích các cơ sở cơ khí cùng tham gia cải tiến và sản xuất bếp khí hóa sinh khối hay máy băm sinh khối. “Bếp này được sản xuất tại chỗ, nguyên vật liệu đầu vào dễ tiếp cận nên cũng dễ sửa chữa. Tôi nghĩ bếp có thể nhân rộng do nó phù hợp với nhiều lĩnh vực chế biến”, ông Nguyễn Hồng Thắng, chuyên gia cơ khí tại Thái Nguyên khẳng định.
Sau bốn năm triển khai, đã có gần 500 doanh nghiệp, hộ gia đình áp dụng công nghệ, hàng chục đơn vị kinh doanh và sản xuất bếp và nhiên liệu sinh khối được hình thành, trong đó có nhiều đơn vị do phụ nữ lãnh đạo. Quan trọng nhất, hệ sinh thái đã tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có nhiều phụ nữ và các nhóm người dân cần ưu tiên trợ giúp.
“BEST không chỉ mang đến một giải pháp công nghệ mà còn tạo động lực để chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp sang hướng bền vững. Dự án đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam,” ông Lương Đình Lân, Quản lý Chương trình Cấp cao, Oxfam tại Việt Nam, cho biết.
Với những lợi ích về kinh tế, sức khỏe, và môi trường cùng khả năng ứng dụng linh hoạt, công nghệ khí hóa sinh khối mở ra tiềm năng lớn để nhân rộng.
-------------
(1) "Đánh thức" điện sinh khối, Bộ Công thương Việt Nam, 2021
(2), (4) Báo cáo cập nhật phân tích lợi ích, chi phí của việc áp dụng Công nghệ Khí hóa sinh khối trong sản xuất chè xanh tại Thái Nguyên”, hoàn thành vào tháng 9/2024
(3) Nguy cơ ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe con người, khuyến nghị ban hành tiêu chuẩn chất lượng và các giải pháp cải thiện, Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Môi trường không khí năm 2022
Xem thêm video về Lợi ích và Chi phí sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến chè xanh tại đây:
Xem thêm các hình ảnh về Dự án BEST tại đây:
(21.09.2024) BEST - Yên Bái field trip
(03-04.09.2024) BEST - Thái Nguyên field trip
(01.06.2023) A demonstration of a biomass gasifier stove (VCBG) at Lao Cai
(2022.04.13) EU Visit - BEST project in Thai Nguyen