Ở ĐBSCL, rất nhiều nữ nông dân coi nhẹ rủi ro an toàn lao động trong việc sản xuất nông nghiệp. Một nông dân chia sẻ: “Trước đây, tôi chưa từng nghĩ đồ bảo hộ lao động lại quan trọng. Việc bị hóa chất dính vào tay hay đứt chân khi làm việc là chuyện bình thường.” Câu chuyện này phản ánh những thách thức mà phụ nữ trong ngành nông nghiệp phải đối mặt, đồng thời cho thấy tiềm năng thay đổi khi có sự can thiệp đúng hướng.
Để giải quyết những vấn đề này, Oxfam phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam”. Dự án kéo dài từ năm 2022 đến 2026, tập trung vào 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Dự án hướng tới cải thiện tiếp cận an sinh xã hội đầy đủ và điều kiện lao động tốt hơn cho họ, thông qua nâng cao năng lực về bình đẳng giới, ATVSLĐ, hay hỗ trợ phát triển các mô hình sinh kế bền vững.

"Trước đây, mình không nghĩ đồ bảo hộ lao động lại quan trọng. Làm việc bị hóa chất dính vào tay hay cắt trúng chân cũng thấy bình thường,” một nữ nông dân tại Cà Mau bộc bạch.
Một trọng tâm của dự án là cải thiện các thực hành ATVSLĐ. Các nữ nông dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác an toàn, cách sử dụng đồ bảo hộ lao động và quản lý các yếu tố đầu vào nông nghiệp. Những bài học này đã tạo ra sự thay đổi lớn. Một nông dân tâm sự: “Giờ mới thấy an toàn lao động quan trọng lắm. Mình đi tập huấn giờ biết đủ thứ, nào là trang bị đồ bảo hộ, xử lý đầm tôm, xử lý bao bì đúng cách để không gây hại. Thấy tự tin hơn nhiều!”
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức về ATVSLĐ, dự án còn thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong nông nghiệp thông qua các mô hình sinh kế bền vững. Hiện có 390 hộ gia đình (56% là nữ) đang áp dụng các sáng kiến đa dạng sinh kế như luân canh tôm-lúa—một mô hình thân thiện với môi trường, tận dụng nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất và nâng cao năng suất. Các nông dân cũng được khuyến khích tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, như rơm và vỏ trấu, để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Dự án không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nông dân, mà còn thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Doanh nghiệp được khuyến khích ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, có các chính sách hỗ trợ lao động nữ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về lao động và an sinh xã hội, từ đó nâng cao uy tín thương hiệu và tăng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.

‘’Trước kia, mình ít mang bao tay, tất, ủng, khẩu trang khi làm tôm, cá, chỉ khi nào cần mới dùng nhưng ít lắm. Nhưng bây giờ, sau khi cải tiến lại rồi, đi xuống ruộng mình cũng mang đầy đủ vớ, khẩu trang, bao tay, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, một nữ nông dân trong nhóm nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.