
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các khách mời (từ trái qua):
- Bà Đặng Thị Huệ, Chuyên gia về Giới, trong vai trò điều phối
- Bà Bùi Thị Bính, chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
- Ông Đỗ Văn Sanh - Trưởng ban tuyên giáo và nữ công, Liên đoàn lao động tỉnh Hải Dương
- Bà Nguyễn Vân Anh – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)
- Bà Nguyễn Thị Kim Dung, phó trưởng phòng Văn hóa, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
- Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Công đoàn nhà máy Maple, Hải Phòng
Ảnh: Batik
COVID-19 đã trầm trọng hóa tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ lại có hơn 1 người (37,8%) từng chịu ít nhất một loại bạo lực trong đại dịch.
“Thà em chạy ra ngoài và mắc COVID, còn hơn ở trong nhà thì chắc chắn sẽ chết vì bị chồng đánh”, ghi lại từ đường dây nóng hỗ trợ của trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) trong thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, 90% người chịu bạo lực chọn cách im lặng. Các biện pháp ứng phó với dịch bệnh khiến cho việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ càng trở nên khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Oxfam cùng CSAGA đã xây dựng mô hình mới được triển khai trong đại dịch, nhằm giúp người bị bạo lực giới chấm dứt chịu bạo lực ở hiện tại và tương lai. Mô hình can thiệp này tập trung nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ cấp cơ sở, với các hình thức hỗ trợ qua điện thoại, phương tiện trực tuyến, kết nối các nguồn lực và địa chỉ tin cậy.
Tại tọa đàm “Tăng cường Khả năng Tiếp cận các Dịch vụ thiết yếu cho Người bị Bạo lực Giới tại Cộng đồng trong và sau Dịch bệnh COVID-19” sáng 25/11, các chuyên gia đánh giá cao cách tiếp cận của mô hình. Theo đó, mô hình đã nâng cao nhận thức và khuyến khích tính tự cường của phụ nữ, để họ tự bảo vệ mình và chủ động đi tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Điều quan trọng là cần đồng bộ và linh hoạt việc phối kết hợp giữa công đoàn, doanh nghiệp, cơ quan chức năng và cộng đồng, ví dụ xây dựng các mô hình nhà trọ an toàn hướng đến người lao động di cư, hay tổ chức các chương trình tập huấn về luật Gia đình cho công nhân.
---------
Tọa đàm được tổ chức bởi Trung tâm CSAGA, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với bạo lực giới Việt Nam (GBVNet), Oxfam tại Việt nam và Tổ chức Batik quốc tế tại Việt Nam.
Các số liệu trong bài được lấy từ điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020) và báo cáo của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế Công cộng - Đại học Y Hà Nội (2021).
Ảnh: Oxfam và Batik