““Ai chẳng thích môi trường sống của mình trong lành, sạch sẽ hả em. Thân là phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, con cái rồi cơm áo gạo tiền, môi trường sống thì ô nhiễm. Nhưng thấy người dân cực khổ như thế, chị không đành lòng.””
Đó là một buổi chiều mùa xuân oi ả, tôi gặp chị Lịnh khi chị vừa kết thúc một buổi truyền thông về sử dụng và tích trữ nước sạch. Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chị niềm nở giải thích: “Vùng U Minh Thượng đang vào mùa khô, bà con khan nước sạch để sinh hoạt nên mình lại càng bận.”
Chị Nguyễn Ngọc Lịnh là một trong số hai cán bộ nữ tại phòng Quản lý Bảo vệ và Phát triển rừng U Minh Thượng, với hơn 6 năm kinh nghiệm trong công tác Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chị phụ trách quản lý quan trắc đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, nước, động thực vật. Công việc thường ngày của chị Lịnh là đi tuần tra, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ nguồn nước và kiểm soát chất thải nông nghiệp.
“Nước ở vùng đệm vốn đã bị nhiễm phèn, nhiễm kim loại nặng. Người dân lại thải rác sinh hoạt và nông nghiệp ra nên nước bị tù đọng càng chứa nhiều vi khuẩn.” Theo chị Lịnh, do không có nước sạch, người dân chủ yếu dùng nước khoan, hoặc tệ hơn thì phải lấy nước ở dưới kênh nhiễm phèn lên dùng. Sức khỏe vì thế mà bị ảnh hưởng đáng kể, da nổi rôm sảy, phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa, trẻ nhỏ gầy gò ốm yếu, hệ miễn dịch bị suy giảm về lâu dài. Đó là chưa kể nguồn nước ô nhiễm làm giảm động vật thủy sinh, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân.
“Ai chẳng thích môi trường sống của mình trong lành, sạch sẽ hả em. Thân là phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, con cái rồi cơm áo gạo tiền, môi trường sống thì ô nhiễm. Nhưng thấy người dân cực khổ như thế, chị không đành lòng.” Chị Lịnh chia sẻ về động lực khiến chị muốn “cống hiến hết mình” để mỗi nhà đều có nước sạch để sử dụng.
Từ đó, chị tiếp nhận công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân trong khu vực, đặc biệt là các hộ dân còn sử dụng trực tiếp nước dưới kênh. Không chỉ đưa ra các lời khuyên, bài học, chị còn hướng dẫn họ cách lọc nước, đun nước và trữ nước để sử dụng.
Nhằm nâng cao sinh kế cho người dân, chị Lịnh còn trực tiếp mở các lớp hướng dẫn, tập huấn chuyên môn về trồng cây ngắn ngày theo hướng kỹ thuật mới và lựa chọn cây ăn trái phù hợp cho các hộ dân. Với các chị em phụ nữ muốn có sinh kế phụ, chị Lịnh cũng định hướng họ làm các sản phẩm như chuối ép dẻo, khoai môn sấy khô, hay đan giỏ xách từ thân cây chuối.
“Cực hơn nam giới, nhưng mà đáng!” Chị cười khi được hỏi về khó khăn trong công việc. “Lở đất, sạt đất, vùng đệm lại rộng, di chuyển đến từng hộ để truyền thông, vận động cũng vất vả lắm.” Người dân thường đi làm cả ngày, đôi khi chị phải đến nhiều lần mới gặp được. Tuy nhiên, chị Lịnh không vì thế mà nản lòng. Chị nảy ra ý tưởng kết nối các hộ dân thành từng cụm nhỏ khoảng 15 – 20 hộ, lưu số điện thoại và chia lịch để sinh hoạt và trao đổi định kỳ.
Tuy nhiên, cách trở địa lý chỉ là khó khăn nhỏ. Điều làm chị trăn trở nhất là những ý kiến trái chiều của người dân mỗi khi đi vận động, tư vấn. “Họ nói họ không vứt rác, mà là nhà kế bên. Rồi họ xả nước mặn vào nước ngọt để nuôi tôm.[1] Nhiều khi bị dân đuổi khỏi nhà đó em!” Khi được hỏi về cách giải quyết những “ca khó nhằn” như vậy, chị Lịnh chỉ cười: “Họ nói do nhà kế bên vứt rác thì chị đi vận động hết cả tuyến đường đó luôn!” Kiên trì, nhẫn nại, đưa ra những dẫn chứng hợp lý, kết hợp với nhiều nguồn tin chính thống từ báo đài, TV, đó là cách chị Lịnh dần dần có được niềm tin của người dân vùng đệm U Minh Thượng.
“Họ thấy cái mình nói có giá trị. Giờ họ tiếp đón lắm, có nải chuối cũng gởi tặng.” Sau sáu năm làm công tác nâng cao nhận thức, giờ chị Lịnh đại diện cho tiếng nói của các hộ dân, nhất là phụ nữ trong cộng đồng, để gửi gắm những ý kiến và mong muốn của họ đến chính quyền và các tổ chức. Lần gần đây nhất, chị phản ánh tới lãnh đạo cơ quan về việc xả nước của vùng lõi rừng UMT ra vùng đệm. Vùng UMT thường có 6 tháng mùa khô và 6 tháng mùa mưa. Vào mùa mưa, vùng lõi Vườn Quốc gia sẽ điều tiết nước ra bên ngoài vùng đệm và các vùng lân cận để cây tràm phát triển. Theo chị Lịnh, do người dân ít tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, việc xả nước nên được thông báo tới từng nhà, từng ấp, giúp họ chủ động hơn trong công việc chăn nuôi, trồng trọt.
Chia sẻ về những đổi thay ở bản thân sau khi làm việc vì cộng đồng, chị Lịnh trải lòng: “Trước đây chị không quen va chạm nhiều, nên mới làm thì khó khăn lắm. Có lúc nản không muốn làm nữa. Nhưng rồi nói chuyện và tiếp xúc nhiều với người dân, thấy họ cực quá, chị cảm thấy bị thôi thúc phải giúp họ, đặc biệt là phụ nữ, có nhận thức hơn về nguồn nước, không khí, tài nguyên.”
“Thông qua dự án, chị thấy mình hiểu biết hơn về tài nguyên nước đối với vùng đệm. Hộ dân có khó khăn gì, mình cùng tìm ra hướng để khắc phục.” Đối với chị Lịnh, những người chị tiếp xúc, đặc biệt là phụ nữ, đã có chuyển biến ít nhiều trong nhận thức và ý chí. “Họ nhận thấy phải thay đổi, và họ muốn thay đổi cuộc sống của mình.” Người dân không chỉ tiếp thu những lời vận động, khuyên giải của chị Lịnh, họ còn lan tỏa kiến thức đó tới người xung quanh.
Khi được hỏi về những dự định tương lai, chị Lịnh ấp ủ mong muốn được tiếp thu thêm các kiến thức mới để trực tiếp đào tạo nghề cho các lao động nhàn rỗi trong cộng đồng vùng đệm, và chuyển hướng người dân sang sản xuất sạch. “Dự án có phần tập huấn về việc làm từ cây chuối - đan lát giỏ xách. Chị muốn học hỏi rồi mở lớp tập huấn nho nhỏ, giúp nhiều phụ nữ có nghề ổn định để phát triển, không phải làm thuê làm mướn hàng ngày.”
Hướng ánh mắt xa xăm về phía rừng UMT, chị Lịnh hy vọng chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa và có chính sách hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tốt hơn. Theo chị Lịnh, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ăn ngủ với rừng, hy sinh cuộc sống để bảo vệ rừng, đất, nước. Họ cần sự hỗ trợ xứng đáng để yên tâm cống hiến. Đối với người dân, chị Lịnh mong muốn chính phủ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đệm để bà con an tâm sinh sống, không phải phá rừng vì mưu sinh, và trồng lại rừng phòng hộ cho đất nước.
Chia tay tôi, chị Lịnh vội vàng trở về nhà để chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Nhìn dáng người nhỏ nhắn luôn tất bật trên chiếc xe Honda cũ kỹ, tôi chợt thấy mùa xuân ở vùng đệm U Minh Thượng dường như đẹp hơn từ năng lượng của những người phụ nữ như chị.
---------------
[1] Vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng là một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới, là môi trường sinh sống đối với nhiều loài thủy sản đặc hữu. Vào mùa khô, nước ở vùng đệm được chuyển vào vùng lõi. Do đó, việc nhiễm mặn nguồn nước vùng đệm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả vùng lõi. (ghi chú của tác giả)
Đọc toàn bộ 43 câu chuyện của các lãnh đạo nữ tại đây