
Ngày 30-3, hội thảo "Thúc đẩy mô hình lúa tôm và liên kết doanh nghiệp tại ĐBSCL" được tổ chức tại Bạc Liêu nhằm chia sẻ những kết quả, bài học kinh nghiệm và lấy ý kiến tham vấn từ các đại biểu để đóng góp, hỗ trợ chính sách tại vùng ĐBSCL, hướng đến thúc đẩy các mô hình tôm lúa bền vững.
Các chuyên gia đánh giá mô hình lúa tôm đã đem lại những lợi ích thiết thực đối với người nông dân và môi trường qua triển khai trên thực tế, như: giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao mặt bằng canh tác, thúc đẩy sản phẩm được dán nhãn xanh, dẫn đến đầu ra cao hơn so với các loại sản phẩm bình thường. Mô hình đã giúp nông dân ĐBSCL thu về lợi nhuận từ 60-70 triệu đồng/ha/năm.
Hội thảo cũng thảo luận các khó khăn, rào cản đối với việc mở rộng quy mô đầu tư của mô hình này, đồng thời bàn các biện pháp tháo gỡ các “nút thắt” trong giám sát thực hiện trọng tâm phát triển vùng, tổ chức sản xuất đảm bảo phát triển bền vững hài hòa lợi ích của các lĩnh vực, các ngành trong nền kinh tế…
Hội thảo do Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Hơn 270 đại biểu từ các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các HTX đã tham gia hội thảo.
-----------
Mô hình tôm lúa được phát triển trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á - Giai đoạn 2” (GRAISEA 2) do Đại sứ quán Thuỵ Điển tài trợ, được thực hiện bởi Oxfam cùng các đối tác ICAFIS, RECERD, MCD Vietnam.