“Mới đầu cũng ngại ghê lắm, nhưng nhờ dự án động viên, được đi học, tụi tui đã rành kỹ thuật, biết cách áp dụng khoa học cải tiến, kết hợp canh tác sạch với nuôi cá”
Không được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên, cuộc sống của người dân thôn Cân Te (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) gắn liền với dòng sông A Sáp. Sinh kế nhỏ lẻ, bấp bênh, chủ yếu từ các phương pháp canh tác truyền thống, chưa phát huy tối đa hiệu quả kinh tế từ việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước.
Anh Hồ Văn Thắng là một trong 10 trưởng nhóm nòng cốt tại thôn Cân Te tham gia dự án IP2* từ những ngày đầu, phụ trách việc phổ biến kiến thức về quản trị tài nguyên nước và phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Dù gặp nhiều khó khăn do khiếm khuyết nhẹ bẩm sinh ở chân và mắt, anh Thắng vẫn tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ kiến thức và kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả các hoạt động sinh kế từ nguồn nước một cách bền vững. Anh đặc biệt quan tâm tới sự tham gia của phụ nữ và người khuyết tật.
Anh đã khích lệ cộng đồng phát triển và tham gia vào sáng kiến nuôi cá lồng bè, mở ra hướng đi mới cho việc sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững. “Mới đầu cũng ngại ghê lắm, nhưng nhờ dự án động viên, được đi học, tụi tui đã rành kỹ thuật, biết cách áp dụng khoa học cải tiến, kết hợp canh tác sạch với nuôi cá,” anh Thắng cười nói. Sau hai vụ thu hoạch, mô hình nuôi cá lồng bè mang về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của các thành viên.

Anh Hồ Văn Thắng tự tin trao đổi, chia sẻ ý kiến của mình trong chuyến tham quan tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong khuôn khổ dự án IP 2.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, những mô hình sinh kế từ cộng đồng như của anh Thắng đã thay đổi suy nghĩ và cách làm của người dân về giá trị kinh tế từ nguồn nước, tạo dựng sinh kế bền vững dựa trên tài nguyên, phát huy tính tự chủ của cộng đồng.
Nhóm sinh kế của anh Thắng đang hướng tới kết nối với các nhóm sản xuất, hợp tác xã địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nguồn nước và bảo vệ môi trường. Kế hoạch tiếp theo của anh là hỗ trợ các hộ khác trong thôn xây dựng mô hình sinh kế tương tự.
Nhân ngày Nước Quốc tế, câu chuyện của anh Thắng đã khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác và tham gia của cộng đồng trong quản trị tài nguyên nước, mang đến sự công bằng trong tiếp cận và gia tăng hiệu quả kinh tế từ tài nguyên, góp phần vào phát triển bền vững.
—-----
*Dự án “Nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước” (IP2) do Trung tâm CSRD và Oxfam thực hiện từ nguồn viện trợ của chính phủ Úc (DFAT).