Ngày 15/11/2023, Vùng nuôi nghêu Gò Công Đông (Tiền Giang) trở thành vùng nuôi nghêu trắng (Metrix Lyrata) thứ 4 trên thế giới được chứng nhận ASC*, mở ra triển vọng đối với nghề nuôi nghêu thương phẩm theo hướng bền vững, chất lượng, phục vụ xuất khẩu.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Bé Bảy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, ASC là chứng nhận đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế tín nhiệm. Vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, sản phẩm nghêu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sản phẩm đặc sản của địa phương.
Trước cột mốc đáng tự hào này, nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông từng trải qua 10 năm nhiều thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Năm 2018, vùng Gò Công Đông tham gia dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” (2018 - 2023), do Liên minh Châu Âu tài trợ. Lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, Dự án đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế, trong đó có MSC (Marine Stewardship Council) và ASC (Aquaculture Stewardship Council) dành cho nghêu.
Với sự đồng hành của dự án, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, và nỗ lực của người nuôi nghêu, vùng nghêu Gò Công Đông đã nhận được chứng chỉ ASC. Đây là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư, và đảm bảo tốt các quy định về trách nhiệm môi trường và xã hội. Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành tới những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật…mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.
“Người nuôi rất phấn khởi, vì xuất khẩu ra nước ngoài sẽ hiệu quả hơn, giá cả và thị trường ổn định hơn,” ông Bùi Văn Tuấn, một người nuôi nghêu chia sẻ. Được biết, giá bán tại sân nghêu dao động ở mức 25.000 đồng/kg, người nuôi nghêu có thể đạt lợi nhuận trên 50%.

Ông Lương Đình Lân, Quản lý Cấp cao Chương trình Sinh kế bền vững, Oxfam tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Ông Lương Đình Lân, Quản lý Cấp cao Chương trình Sinh kế bền vững, Oxfam tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chứng chỉ ASC là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực hợp tác đa bên từ chính quyền địa phương, người nuôi nghêu, doanh nghiệp và các đơn vị kỹ thuật cùng đóng góp cho sự phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Gò Công Đông, Tiền Giang nói riêng và nghêu Việt Nam nói chung. Chứng nhận ASC và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa người nuôi nghêu và Doanh nghiệp với sự chứng nhận của chính quyền địa phương không chỉ hướng tới tăng thu nhập của người nuôi nghêu mà quan trọng hơn là thúc đẩy chuỗi giá trị được tổ chức công bằng, lợi ích và rủi ro được chia sẻ giữa các bên. Từ đó, tạo động lực để người nuôi nghêu phát huy vai trò chủ thể của những thực hành sản xuất bền vững, bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên và tạo ra lợi ích xã hội cho cộng đồng”.
Bà Lưu Thị Hồng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho rằng chứng nhận ASC chỉ là bước khởi đầu. “Để tiếp tục phát triển nghêu Gò Công Đông, sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông cho người dân nhận thức rõ lợi ích của việc xây dựng thương hiệu theo ASC. Từ đó mở rộng, đưa nghêu của toàn vùng biển Gò Công Đông đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, hướng đến xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới như Châu Âu.”
Vùng nuôi nghêu Gò Công Đông đạt chứng nhận ASC đã mở ra triển vọng đối với nghề nuôi nghêu thương phẩm theo hướng bền vững, chất lượng, phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là mô hình cần được nhân rộng để tạo ra sinh kế bền vững cho bà con vùng ven biển.
Gò Công Đông là một trong nhiều vùng nuôi nghêu đồng hành cùng Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” (2018 - 2023), do Liên minh Châu Âu tài trợ. Hợp phần Dự án Chuỗi giá trị Nghêu được thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).