Trong khuôn khổ Chương trình "Đối tác chuyển đổi xanh do phụ nữ dẫn dắt" do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Dự án "Hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi xanh do phụ nữ dẫn dắt" (PWG) đã được Tổ chức Oxfam tại Việt Nam chính thức giới thiệu vào ngày 22/4/2025.
Trong tuần qua, các sự kiện khởi động Dự án đã được tổ chức lần lượt tại Hà Nội, Bạc Liêu và Thừa Thiên Huế, thu hút gần 400 đại biểu từ các tổ chức ngoài nhà nước, các doanh nghiệp xã hội, cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội địa phương.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm dễ bị tổn thương nhất do hạn chế trong tiếp cận tài nguyên, tài chính, quá trình ra quyết định, đồng thời đảm nhận phần lớn công việc chăm sóc không lương.
PWG hướng đến cải thiện cơ hội việc làm bền vững và khởi nghiệp cho phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế xanh và tuần hoàn. Đồng thời, dự án cũng tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các chính sách và quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

“Phụ nữ là lực lượng lao động chủ lực trong cả khu vực chính thức và phi chính thức. Để họ thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh, một hành trình đòi hỏi tri thức, kỹ năng và nguồn lực, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bên liên quan.” – ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện.
PWG dự kiến sẽ tài trợ cho 65 sáng kiến trong thời gian 54 tháng, từ năm 2024 đến năm 2029. Mỗi sáng kiến có thể nhận tối đa 1,65 tỉ đồng (tương đương 60.000 EUR), với thời gian thực hiện từ 12 đến 18 tháng, tại một hoặc nhiều tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bạc Liêu. Các sáng kiến này nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu có trách nhiệm về giới, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, nông - lâm nghiệp bền vững, tiêu dùng và thực hành sản xuất có trách nhiệm.
Đợt tài trợ lần thứ nhất tập trung vào chủ đề: “Nâng cao nhận thức, góp phần cải thiện sinh kế xanh, tiếp cận việc làm tử tế và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường.”
PWG áp dụng cơ chế tài trợ linh hoạt, minh bạch, ưu tiên sáng kiến từ cơ sở , do chính các tổ chức xã hội địa phương đề xuất sáng kiến và thực hiện, dựa trên nhu cầu thực tế tại cộng đồng. Quá trình xây dựng các lĩnh vực ưu tiên được tiến hành trên cơ sở tham vấn sâu rộng với chính quyền, Hội Phụ nữ và các tổ chức tại địa phương, nhằm bảo đảm sáng kiến được lựa chọn thực sự phản ánh nhu cầu và điều kiện thực tiễn của các địa phương.

“Dự án PWG có ý nghĩa nhân văn khi thúc đẩy bình đẳng giới và khẳng định vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, đặc biệt trong tiến trình chuyển đổi xanh. Với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, nhu cầu được tiếp cận kiến thức, kỹ năng sản xuất bền vững, tài chính và kết nối học hỏi là rất lớn.” – Bà Hoàng Phương Thúy, Phó chủ tịch HLHPN Tỉnh Yên Bái chia sẻ tại Hội thảo.
PWG sẽ hỗ trợ kết nối và nâng cao năng lực cho các tổ chức nhận tài trợ trong các lĩnh vực như bình đẳng giới, thích ứng khí hậu và sản xuất bền vững. Dự án cũng thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm tăng cường tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần tạo việc làm xanh và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển.
Dự án kỳ vọng mang lại lợi ích gián tiếp cho khoảng 7-10 triệu người thông qua nâng cao nhận thức và cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm xanh.