
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ trước hơn 20 học viên là các nhà báo, phóng viên
Vào ngày 18/9, Hội nhà báo Việt Nam kết hợp cùng Oxfam đã tổ chức buổi "Tập huấn kỹ năng, nâng cao về tác nghiệp có góc độ giới cho phóng viên, biên tập viên" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Buổi tập huấn diễn ra nhằm nâng cao độ nhạy cảm giới trong các tác phẩm báo chí, nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cho các nhà báo, phóng viên để họ cho ra đời những tác phẩm báo chí không rập khuôn giới và thúc đẩy bình đẳng giới.
Với 2 giảng viên là PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, buổi tập huấn thu hút hơn 20 học viên tham gia là các nhà báo, phóng viên đến từ các kênh thông tin lớn như VTV Digital, Dân Trí, VOV Giao Thông, Hà Nội Mới.
Khai mạc buổi tập huấn, TS. Lê Văn Sơn nhấn mạnh về Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó có Điều 4 là: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”. Đặc biệt với chủ đề như bình đẳng và nhạy cảm giới thì đòi hỏi người làm báo phải cẩn trọng để không củng cố những khuôn mẫu giới sẵn có và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới.

TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng
PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, báo chí luôn là một trong các lĩnh vực quan trọng giúp thúc đẩy bình đẳng giới, để công chúng hiểu hơn về giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái… từ đó, thúc đẩy quyền con người, quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. “Nếu tất cả báo giới làm theo nguyên tắc và nguyên lý của giới, liên tục cập nhật kiến thức về chủ đề này, thì những bài báo hướng đến mục tiêu nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam, bình đẳng và hợp tác dựa trên cơ sở đồng thuận giữa các giới mới có tác động mạnh mẽ”.
Xoay quanh chủ đề giới trong báo chí, các học viên đã cùng thảo luận về “sạn” giới và các yêu cầu chất lượng đối với một sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới. Những cách giật tít như “Nông sản Việt Nam là cô gái đẹp ngồi chờ người khác hỏi mua” hay lối viết quy chụp kiểu “Phụ nữ lái xe gây tai nạn…”, “bán xăng cho phụ nữ là tội ác” được đưa ra làm ví dụ cho cách viết không phù hợp với báo chí hiện đại.
Tham gia buổi học, các phóng viên, biên tập viên được tìm hiểu sâu về các định kiến giới còn phổ biến trong sản phẩm báo chí; nhận diện được các biểu hiện "mù giới" trong các sản phẩm báo chí hiện có và đề ra giải pháp cải thiện. Khóa học cũng nâng cao khả năng lựa chọn các chủ đề bài báo cho học viên thách thức lại các định kiến, khuôn mẫu giới, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Một phóng viên chia sẻ sau buổi tập huấn: “Trước đây mình cứ nghĩ bình đẳng giới là đảm bảo sự hiện diện bằng nhau của nam và nữ trong báo chí, nhưng bây giờ đã hiểu rõ, giải quyết định kiến giới cần nhiều nỗ lực hơn thế. Việc lựa chọn góc quay hay trích dẫn câu nói cũng cần sự nhạy cảm giới rất lớn của phóng viên.”
Buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh châu Âu tài trợ, được tổ chức ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Địa điểm tập huấn giúp học viên có cái nhìn trực quan về trục lịch sử của báo chí Việt Nam khi tiếp cận vấn đề giới và bình đẳng giới, qua các ấn phẩm lâu đời được trưng bày từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.