Ngày 7-8/3/2025, Oxfam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai tổ chức cấp phát tiền mặt cho gần 1.500 hộ gia đình tại 5 xã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Các hộ dân thuộc các xã Cốc Lầu, Bản Cái, Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) và Xuân Hòa, Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) đã nhận được hỗ trợ tài chính trực tiếp để từng bước khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Đây là một phần trong khuôn khổ dự án Cứu trợ và Phục hồi sau bão Yagi, nhằm hỗ trợ khẩn cấp các hộ bị ảnh hưởng nặng để họ phục hồi sinh kế, cải thiện khả năng chống chịu trước thiên tai trong tương lai.
Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mặt để sử dụng theo nhu cầu cấp thiết nhất. Ngoài ra, các hộ có phụ nữ mang thai, trẻ em dưới hai tuổi hoặc người khuyết tật được nhận thêm 1 triệu đồng. Danh sách các hộ hưởng lợi được bình chọn công khai tại thôn bản, đảm bảo tính minh bạch và ưu tiên những hộ bị thiệt hại nặng, hộ nghèo, cận nghèo và những hộ chưa nhận được hỗ trợ tương tự từ các nguồn khác.
Chia sẻ về tác động của khoản hỗ trợ này, bà Lê Thị Năm, một người dân huyện Bắc Hà, cho biết:
"Bão cuốn trôi gần hết tài sản, cuộc sống sau đó vô cùng khó khăn. Tôi buôn bán nhỏ, vừa xây được căn nhà, còn chưa kịp hoàn thiện thì bão đến. May mắn là tôi còn chạy thoát được. Giờ có khoản tiền hỗ trợ này, tôi thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi dự định dùng để mua gạo, mua mắm muối, lo cho con cái đi học và chi tiêu sinh hoạt hàng ngày."
Bà Lê Thị Năm (bên phải) nhận tiền mặt hỗ trợ tại buổi cấp phát tiền được tổ chức bởi Oxfam, phối hợp với Hội chữ Thập đỏ tỉnh Lào Cai.
Ảnh: Trương Sĩ Mạnh/Oxfam
Bên cạnh sự hỗ trợ tài chính trực tiếp, dự án cũng góp phần tiếp thêm động lực để người dân vững vàng vượt qua khó khăn. Ông Vũ Viết Trường, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh: "Khoản hỗ trợ này không chỉ giúp người dân trang trải những nhu cầu trước mắt mà còn là sự động viên to lớn về mặt tinh thần. Nó giúp bà con cảm thấy được đồng hành, tiếp thêm sức mạnh để phục hồi sau bão."
Dự án Cứu trợ và Phục hồi sau bão Yagi được triển khai bởi Oxfam phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, nhằm hỗ trợ các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng bởi thiên tai tại Lào Cai và Yên Bái. Kéo dài từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2025, dự án không chỉ tập trung vào cứu trợ khẩn cấp mà còn hướng đến phục hồi bền vững và nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai.
Với tổng ngân sách 28,6 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,1 triệu USD), dự án được tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại, Chính phủ Canada và Oxfam Quốc tế.
Thông qua cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, dự án đảm bảo tính minh bạch với cơ chế phản hồi cộng đồng và bình chọn công khai người hưởng lợi. Các hoạt động không chỉ hỗ trợ người dân ngay lập tức mà còn góp phần nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai trong tương lai, giúp cộng đồng Lào Cai bước những bước đầu tiên vững chắc trong hành trình phục hồi và phát triển bền vững.
Lấy vai trò lãnh đạo tại địa phương làm then chốt
Tại Việt Nam, Oxfam nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức địa phương và trung ương trong các hoạt động nhân đạo. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng tôi đã đồng hành và hỗ trợ họ nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Ở cấp quốc gia, Cục Phòng, chống thiên tai (VDDMA) thông qua Mạng lưới Đối tác Quốc gia về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (DRR Partnership) là đầu mối điều phối các hoạt động ứng phó giữa các cơ quan nhà nước, Nhóm Quốc gia Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs). Là thành viên của mạng lưới này, Oxfam đã phối hợp chặt chẽ với các bên để theo dõi tình hình, cùng xây dựng và triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp. Những nỗ lực phối hợp này đã góp phần hình thành kế hoạch ứng phó cấp quốc gia cho cơn bão.
Vì chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng là những lực lượng phản ứng đầu tiên, Oxfam đã làm việc trực tiếp với họ để đánh giá và xác định các nhu cầu ưu tiên của phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Các hoạt động này được triển khai thông qua quy trình tham vấn toàn diện và có phân tích giới, với sự tham gia của chính người dân bị ảnh hưởng. Cộng đồng địa phương là người quyết định đâu là nhu cầu cấp thiết và ai là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ. Tại các tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Oxfam hợp tác với Hội Chữ thập đỏ địa phương, và tại Hòa Bình, chúng tôi làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Các tổ chức phụ nữ tại cơ sở cũng tham gia vào các hoạt động đánh giá nhu cầu nhân đạo, phân tích tình hình và xác định nguồn lực sẵn có.
Ngay trong giai đoạn đầu của ứng phó khẩn cấp cấp quốc gia, Oxfam đã giới thiệu trở lại bộ tài liệu “Hướng dẫn tự nguyện quy trình cứu trợ nhân đạo và từ thiện” được biên soạn từ năm 2021. Tài liệu này dựa trên “Hiến chương nhân đạo và Bộ tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo” cùng với kinh nghiệm thực tiễn của Oxfam, nhằm đưa ra các nguyên tắc, bước thực hiện và khuyến nghị cho quá trình ra quyết định hiệu quả, phù hợp với bối cảnh thiên tai ở Việt Nam.
Trong suốt nhiều thập kỷ, Oxfam tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các mạng lưới cấp quốc gia và địa phương, hỗ trợ nâng cao năng lực đối tác thông qua tập huấn chung, đào tạo tại chỗ, và cung cấp các khoản tài trợ nhỏ. Đồng thời, Oxfam cũng đóng vai trò kết nối giữa các cơ quan nhà nước, Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ và chính phủ trong các giai đoạn khủng hoảng.