
100% các bộ, ngành, cơ quan địa phương có trang/cổng thông tin điện tử
Cơ sở hạ tầng số của Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể: 100% các bộ, ngành, cơ quan địa phương có cổng/trang thông tin điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các cơ quan nhà nước.
Tuy vậy, kết quả rà soát cho thấy 80% các cổng thông tin điện tử cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy cung cấp thông tin và tương tác giữa người dân và chính quyền địa phương qua các cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước” ngày 30/11.
Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc vào năm 2030, Việt Nam cần cải thiện các tiêu chí thông tin số (E-information), tham vấn trực tuyến (E-consultation), và tham gia vào xây dựng chính sách và xây dựng pháp luật trực tuyến (E-decision making).
“Việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước cần lấy người dân làm trung tâm, coi đó là là “dịch vụ cung cấp thông tin” cho người dân” - ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cho biết.
Hội thảo cũng chia sẻ một số mô hình mang lại những thay đổi ấn tượng trong tương tác của người dân tiếp cận thông tin, trong đó có tìm kiếm thông tin trên các trang thông tin điện tử của chính quyền cơ sở. Đây là mô hình của các tổ chức xã hội tại cơ sở (Trung tâm nghiên cứu và Quản trị tài nguyên vùng cao cùng FORLAND, Trung tâm Phát triển và hội nhập cùng Liên minh khoáng sản, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng cùng Liên minh Nước sạch) thông qua phần trình bày nghiên cứu và báo cáo của Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW).
Hội thảo được tổ chức bởi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Trung tâm Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).
Hội thảo nhằm giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn của các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, và người dân thúc đẩy cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến, tương tác chính quyền và người dân trên môi trường mạng.
Hội thảo có sự tham gia của các đại diện từ Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp và Văn phòng UBND tỉnh của 63 tỉnh thành, đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Văn phòng chính phủ, Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và các tổ chức xã hội.
Đọc thêm tại báo Công Thương