
Kể từ đầu năm 2023, gần 510.000 lao động Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức về việc làm, trong đó gần 280.000 người bị mất việc.
Kể từ đầu năm 2023, gần 510.000 lao động Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức về việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng và nguồn cung nguyên vật liệu, quy mô sản xuất và số lao động bị thu hẹp, trong đó gần 280.000 người bị mất việc.*
Theo khảo sát Oxfam phối hợp thực hiện cùng SANTA năm 2023 với hơn 330 người lao động, 77% số người được hỏi có nhu cầu hỗ trợ tìm việc và đào tạo chuyển đổi nghề; khoảng 68% người lao động có 1 đến 5 người phụ thuộc, và 83% sẵn sàng gắn bó lâu dài nếu công việc mới phù hợp.
Để chia sẻ các giải pháp hỗ trợ người lao động chuyển đổi việc làm bền vững, trong tọa đàm cùng Báo Đầu tư ngày 16/6, với sự tham gia của đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, Doanh nghiệp tuyển dụng và tư vấn việc làm SANTA, và tổ chức Oxfam tại Việt Nam, các khách mời đã khẳng định sự cần thiết của việc chuyển đổi nghề trong bối cảnh nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ một số đề xuất:
- cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa người lao động - cơ sở đào tạo nghề - doanh nghiệp - Nhà nước, để đảm bảo đào tạo nghề sát với nhu cầu về số lượng và chất lượng tay nghề mà doanh nghiệp cần và đáp ứng những biến động và thay đổi của nền kinh tế;
- Chính phủ rà soát và điều chỉnh chiến lược đào tạo nghề của Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thời kỳ công nghệ 4.0 với nhiều loại công việc mới phát triển, với mục tiêu và chỉ số cụ thể có thể đo lường hiệu quả, ví dụ chỉ số về số lao động sau đào tạo nghề có việc làm trong các lĩnh vực được đào tạo và mức lương của họ;
- nên đánh giá hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề được nhận ngân sách Nhà nước dựa trên tiêu chí là số người lao động sau đào tạo có việc làm theo ngành đào tạo; trên cơ sở đó, đầu tư ngân sách cho các cơ sở đào tạo hiệu quả;
- cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo lương đủ sống và có tích lũy, để người lao động có thể tiếp tục đầu tư vào giáo dục và phát triển nghề nghiệp cho bản thân và con cái - lực lượng lao động tương lai, hướng đến lực lượng lao động có tay nghề cao và đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động.
Tọa đàm cũng thảo luận về những cơ hội và thách thức của thị trường việc làm trong thời gian tới, đồng thời gợi mở một số giải pháp thực tiễn cho NLĐ, đơn cử như chuyển đổi sang ngành du lịch, nhằm ưu tiên duy trì nguồn lao động linh hoạt, bền vững.
------
* Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 ngày 6/6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tuần trước, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, gần 510.000 lao động Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức về việc làm kể từ đầu năm nay. Nguồn: Báo đầu tư