Cuộc khủng hoảng bất bình đẳng toàn cầu đang chạm tới những thái cực mới. Đấu tranh chống lại bất bình đẳng đã được đưa vào các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với sự đồng thuận toàn cầu rằng bất bình đẳng làm suy yếu sự phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng bất bình đẳng cản trở cuộc chiến chống đói nghèo cũng như những nỗ lực của Oxfam giúp người dân có tiếng nói lớn hơn trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phát triển. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng cực đoan về kinh tế là không thể tránh khỏi - đó là hệ quả của những chính sách, quyết định đầu tư cũng như hệ tư tưởng kinh tế và chính trị phục vụ lợi ích của số ít và hi sinh lợi ích của số đông.
Oxfam xem công bằng tài chính là trung tâm của cuộc chiến chống bất bình đẳng cực đoan về kinh tế. Các bằng chứng cho thấy các chính sách của chính phủ về thuế và chi tiêu công có thể là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề bất bình đẳng nếu các chính sách được dùng để tạo ra hệ thống kinh tế nhằm phân bổ lại tài nguyên và nguồn lực cho những nhóm bị lề hóa và thiệt thòi nhất.
Để giải quyết vấn đề này, Oxfam và các đối tác đã triển khai dự án Huy động nguồn lực công bằng trong nước để nâng cao chất lượng dịch vụ công (gọi tắt là dự án DRM) ở Việt Nam từ tháng 12/2014 đến tháng 6/2018 do Bộ Ngoại giao Phần Lan tài trợ, với sự đóng góp tài trợ của Liên minh châu Âu. Dự án này là một phần trong chiến lược bao quát và dài hạn của Oxfam nhằm cùng các đối tác và liên minh đấu tranh chống lại bất bình đẳng bằng cách tăng cường tiếng nói của người dân, thúc đẩy áp dụng cách đánh thuế công bằng và tăng chi tiêu cho các dịch vụ thiết yếu thông qua chương trình Trách nhiệm thuế để giảm bất bình đẳng - Thu hẹp khoảng cách (FAIR-EIU). Chương trình đặt thay đổi ở cấp quốc gia làm trọng tâm vì cách tiếp cận này mang lại cơ hội tốt nhất để ra những quyết định có tính bao trùm, đồng thời trao quyền để người dân và tổ chức xã hội tạo ra những thay đổi lâu dài.