“Lúc trước, mình dâu lửa bằng bếp củi thì phải cúi xuống sát lò. Bây giờ, dùng bếp sinh khối thì không bị nóng mà cũng không bị bụi.”
“Trước dùng bếp củi cực lắm, nhưng chuyển sang cái bếp khí hóa sinh khối này khỏe hẳn ra. Vừa có thời gian cho bản thân, mà kinh tế gia đình cũng khá hơn”, chị Nguyễn Thị Dự, chủ sản xuất cơ sở chè Sơn Dự (Thái Nguyên) phấn khởi chia sẻ.
Nhen nhóm
Nhấp ngụm trà đượm hương từ mẻ chè vừa sao, chị Dự nhớ lại thời còn dùng bếp củi: “Nhà lúc nào cũng phải chừa một góc to để trữ, chưa tính đến thời gian bổ củi. Lúc đun nấu, bụi ra nhiều, cộng thêm phải canh chừng liên tục để chỉnh lửa, tiếp liệu, chị ho hắng suốt.”
Với bản tính bạo dạn, không ngại thử nghiệm những điều mới, chị Dự luôn chủ động tìm tòi cách cải thiện phương pháp sao chè. “Cũng đi đây đi đó học hỏi mỗi nơi một chút, nhưng chưa đâu vào đâu,” chị Dự bộc bạch.
Chị Dự biết đến dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) thông qua buổi trình diễn sử dụng bếp khí hóa sinh khối (VCBG) ở sân nhà văn hóa xã bốn năm trước. Là người trực tiếp thử nghiệm dùng bếp hôm đó, chị cười: “Chị ưng luôn, dặn anh kỹ thuật dự án là kiểu gì cũng phải có bếp cho chị làm trước 3 giờ chiều.”
Thời gian đầu, do chưa quen cách sử dụng bếp VCBG và dùng phải nguồn nhiên liệu không đảm bảo chất lượng, chị gặp nhiều khó khăn. Ngay khi biết được vấn đề của chị Dự, các tư vấn viên của dự án đã hướng dẫn tận tay các thao tác, đồng thời giới thiệu nguồn nhiên liệu sinh khối tối ưu. “Từ đó tới giờ gia đình cứ dùng thôi, ổn định rồi. Chị còn chuyển hết bếp củi thành hai cái bếp sinh khối này,” chị chỉ tay ra chỗ lò tôn đang sao, tự hào khoe mình thành thạo điều khiển cùng lúc hai bếp và tiết kiệm được tiền nhân công so với ngày xưa.
Nắng trải
Những đốm lửa nhen nhóm giờ đây đã trở thành ánh nắng của niềm vui, trải dài trên sân nhà chị. Sau khi sử dụng bếp VCBG, chất lượng chè ngày càng tăng cao. Không giấu nổi niềm tự hào, chị Dự chia sẻ: “Giá chè thành phẩm trung bình tăng lên được từ 20.000 đến 50.000 đồng một cân; loại chè tôm nõn thì tăng lên được từ 50.000 đến 100.000 đồng một cân.”

Hơn hết, từ khi ngưng dùng củi nấu chè, chị thấy dường như bản thân khỏe khoắn, ít bị ho và dễ thở hơn. “Lúc trước, mình dâu lửa bằng bếp củi thì phải cúi xuống sát lò. Bây giờ, dùng bếp sinh khối thì không bị nóng mà cũng không bị bụi”.
Ngoài lợi ích về kinh tế và sức khỏe, chị Dự còn có thêm thời gian cho công việc yêu thích của mình, đó là làm công tác xã hội. Trước đây chị chỉ tham gia Chi hội Phụ nữ xóm, nhưng giờ, chị nhận thêm cả chức trưởng thôn. “Trước làm gì có thời gian. Giờ mới rảnh tay hơn. Bà ấy cũng được mọi người tín nhiệm. Cứ đi, tôi ở nhà lo cơm nước,” anh Sơn, chồng chị Dự nói thêm.
Truyền “lửa”
Nhận thấy những lợi ích rõ rệt của bếp VCBG, chị Dự không chỉ áp dụng cho gia đình mình mà còn nhiệt tình chia sẻ với bà con xung quanh. Chị chủ động đề xuất sử dụng sân nhà mình làm nơi trình diễn bếp, tự tay cùng chồng chế biến chè bằng công nghệ mới để mọi người trực tiếp trải nghiệm. Sự tâm huyết và những kết quả ấn tượng từ buổi trình diễn đã thuyết phục bà con: đến nay, 10 gia đình trong xóm đã chuyển sang dùng bếp VCBG, có nhà còn đầu tư đến hai, ba bếp để tăng năng suất.
Hành trình của chị Dự bắt đầu từ một quyết định chóng vánh, nhưng kiên định và rõ ràng. Trong tương lai không xa, hành trình ấy sẽ còn được mở rộng hơn nữa, bởi chị Dự tâm niệm rằng, có thể lan tỏa được công nghệ mới này đến thật nhiều người xung quanh, để cùng nhau phát triển và gìn giữ nghề sao chè truyền thống này, mới là điều hạnh phúc nhất.