Thừa Thiên Huế – Ngày 20 tháng 7 năm 2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án: “Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước Việt Nam. Các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, yếu thế, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật là những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Người lao động nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nữ nông dân, không nằm ngoài bối cảnh chung đó. Trong khi các gói cứu trợ đã được chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ bền vững, đặc biệt nhằm giúp đỡ phụ nữ nông dân ở các vùng nông thôn.
Trong bối cảnh đó, Oxfam tại Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ của Chính phủ New Zealand, đã triển khai dự án “Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Dự án được triển khai tại sáu xã: Phú Gia, Phú Diên, Giang Hải, Vinh Hưng, Phong Chương, Điền Hương thuộc ba huyện: Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền, từ ngày 01 tháng 09 năm 2023 đến ngày 31 tháng 07 năm 2024, với kinh phí hơn 4,94 tỷ đồng.
Sau gần một năm thực hiện, dự án đã hỗ trợ hiệu quả cho 1.511 nữ nông dân nghèo và cận nghèo, trong đó có 221 người khuyết tật, giúp họ và gia đình phục hồi và phát triển sinh kế bền vững.
Các nữ nông dân đã tham gia 30 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của họ. Trong số đó, 1.000 phụ nữ nông dân đã được hỗ trợ tiền mặt trực tiếp với số tiền 3,2 triệu đồng/người để phục hồi sinh kế. Khoản hỗ trợ tài chính này được cung cấp theo kế hoạch phục hồi sinh kế của hộ gia đình đã được dự án thẩm định về tính khả thi khi triển khai.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Trong đại dịch COVID-19, phụ nữ và trẻ em gái là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này không chỉ là thực tế ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Họ vừa thiếu hỗ trợ về nguồn lực, vừa hạn chế trong khả năng tự chủ sinh kế, đồng thời gánh trên vai nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình. Trong Dự án này, chúng tôi tập trung hỗ trợ các nữ nông dân nghèo, cận nghèo và phụ nữ khuyết tật để họ không chỉ khắc phục những ảnh hưởng ngay sau đại dịch, mà còn thúc đẩy khả năng thích ứng với những khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Dự án đã hỗ trợ phụ nữ nâng cao khả năng lập kế hoạch sinh kế bền vững, khả thi cho hộ gia đình, và thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội”.
Bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho biết: “Chính phủ New Zealand cam kết hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19, tập trung vào phục hồi kinh tế cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất ở các vùng nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện tham gia dự án này. Tôi rất vui vì dự án có thể tiếp cận được hơn 1.500 nữ nông dân nghèo, nhiều người trong số họ bị ảnh hưởng do mất mùa, thu nhập giảm, thất nghiệp, sức khỏe sa sút và gia tăng gánh nặng chăm sóc cho các thành viên gia đình bị bệnh do COVID. Tôi tin chắc rằng việc nâng cao năng lực và hỗ trợ tài chính kịp thời đã giúp những người nông dân không chỉ phục hồi mà còn cải tiến các hoạt động sinh kế của họ. Tôi cũng tin rằng hiệu quả đạt được của dự án sẽ bền vững hơn nhờ vào sự tham gia, quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đối tác thực hiện, và quan trọng nhất là từ chính người nông dân. Cảm ơn các bên đối tác rất nhiều vì sự hỗ trợ, sự chủ động và tính chuyên nghiệp của các bạn trong suốt thời gian thực hiện dự án.”
Kinh nghiệm triển khai dự án đã chứng minh tầm quan trọng của việc thiết kế các hoạt động hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời tăng cường sự tham gia tích cực của họ vào tất cả các hoạt động của dự án để đảm bảo lợi ích thiết thực và lâu dài. Ngoài ra, sự phối hợp kịp thời giữa các tổ chức địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức cứu trợ trong nước là điều cần thiết để nâng cao năng lực thích ứng với khủng hoảng của người dân.
Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Điểm đặc biệt của Dự án là thiết lập đường dây nóng, tạo cơ chế phản hồi hai chiều công khai, minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, gửi góp ý và thắc mắc. Điều này không chỉ đảm bảo trách nhiệm giải trình xuyên suốt trong quá trình quản lý, thực hiện dự án mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả và tác động lan tỏa của các hoạt động hỗ trợ”.
Tại hội thảo cuối cùng, những kinh nghiệm và bài học từ dự án đã được chia sẻ và thảo luận để góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các bên trước những tình huống khủng hoảng trong tương lai.
===
Dành cho Biên tập
Liên hệ báo chí
- Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Điều hành dự án, DĐ: +84 982 637 535; Email: thaohoathaibinh12@gmail.com
- Bà Vũ Thu Hà, Cố vấn Truyền thông và Quan hệ Công chúng, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, DĐ: +84 936 366 137; Email: vuthu.ha@mft.net.nz
- Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trưởng Ban Truyền thông, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, DĐ: +84 982 05 45 69; Email: Phuong.NguyenThiHong@oxfam.org
Về Tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Oxfam là một liên minh quốc tế, một phong trào toàn cầu vì một thế giới bình đẳng, không còn nghèo đói và bất công. Oxfam Quốc tế gồm 21 tổ chức Oxfam thành viên làm việc tại 81 quốc gia. Tầm nhìn của Oxfam hướng tới một thế giới công bằng và bền vững. Một thế giới nơi con người và Trái đất được đặt vào trung tâm của quá trình phát triển. Nơi phụ nữ và trẻ em gái không phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Nơi khủng hoảng khí hậu được kiểm soát. Và nơi hệ thống quản trị có sự tham gia của người dân và các lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm.
Oxfam tại Việt Nam tin rằng nghèo đói, bất công và bất bình đẳng sẽ giảm khi có sự tương tác giữa công dân tích cực, chính quyền và khu vực tư nhân có trách nhiệm. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam. Oxfam tại Việt Nam đóng góp vào quá trình chuyển hướng từ mô hình phát triển dựa vào tăng trưởng sang Nền Kinh tế Nhân văn, đặt con người và Trái đất là trung tâm của quá trình phát triển.