“Công nghệ khí hóa sinh khối là tương lai bền vững cho các ngành nghề cần sử dụng năng lượng.”
"Thời phụ nữ không được làm kinh tế là xưa rồi. Giờ chúng tôi tham gia sản xuất kinh doanh không thua gì nam giới."
Chị Thanh vừa cười vừa châm trà mời khách. Chị Lê Thị Thanh là giám đốc Hợp tác xã chè Vạn Phúc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Chị đã có 23 năm kinh nghiệm và tạo dựng uy tín trong sản xuất kinh doanh chè xanh. Với quan điểm cởi mở, sẵn sàng học hỏi và đổi mới, chị Thanh luôn tìm tòi các phương pháp cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí.
Khi dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) giới thiệu bếp sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối (VCBG) tại địa phương, chị Thanh là một trong những người đề xuất thử nghiệm áp dụng tại xưởng nhà. Sau vài tháng triển khai, kết quả cho thấy bếp VCBG đã tiết kiệm tới 20-30% chi phí nhiên liệu so với bếp củi. Chị Thanh nhận xét việc tận dụng sinh khối có sẵn là ưu điểm rất lớn, vừa bảo vệ môi trường vừa giảm bớt rác thải. “Đây là tương lai bền vững cho các ngành nghề cần sử dụng năng lượng.”
Chi phí tiết kiệm còn đến từ giảm tiền thuê nhân công, do bếp VCBG được thiết kế giúp nhiên liệu tự tụt, người xao chè không phải đứng trông liên tục. Các chị em nhờ đó có thời gian chọn lọc các lá chè kỹ càng và quản lý quy trình bao quát hơn. “Bếp này dùng rất dễ, cho nhiệt lượng ổn định hơn bếp củi. Dự án cũng hướng dẫn cụ thể và bài bản cho chúng tôi.”

Theo chị Thanh, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong đánh giá và cải thiện bếp vì họ là nhân lực chính sử dụng bếp để xao chè. Cá nhân chị cũng trực tiếp mày mò, tìm hiểu để góp ý cho dự án hoàn thiện công nghệ, cụ thể như kiểm soát độ khói khi nhóm bếp, cải tiến chất liệu bếp để nhiệt lượng cao và độ bền tốt hơn. Chị tâm niệm nam hay nữ đều có khả năng sử dụng và làm chủ được công nghệ mới; chị cũng giúp nhiều chị em trong HTX sử dụng được bếp.
Hiểu được vai trò của phụ nữ trong tiếp nhận và lan tỏa công nghệ, dự án BEST luôn khuyến khích các chị em tham gia vào tất cả các hoạt động tập huấn, để họ thực sự trải nghiệm, trao đổi, tham góp vào các quy trình cải tiến bếp. Phụ nữ cũng là đối tượng sử dụng chính của ứng dụng BEST khi họ chủ động nắm bắt thông tin và ra quyết định mua sắm.
Khi biết về ứng dụng điện thoại BEST - nơi trao đổi, mua bán sinh khối và thiết bị cơ khí trực tuyến - chị Thanh rất phấn khởi: “Thế này thì mua sinh khối dễ hơn nhiều, các chị em khác mà biết sử dụng thì sẽ có thêm nhiều hộ nông dân khác áp dụng bếp”. Điều này hứa hẹn sẽ tạo nên một cộng đồng sử dụng năng lượng xanh, cùng trao đổi kinh nghiệm và vật tư.
Những dự án đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp cải thiện chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, mà còn đẩy mạnh sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong sản xuất và phát triển kinh tế. Câu chuyện nằm trong dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) do Oxfam tại Việt nam và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) thực hiện, với sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh Châu Âu.