Việc chuyển giao đất rừng về địa phương quản lý nhằm giải quyết vấn đề đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương của Chính phủ. Việc này giúp người dân có tư liệu sản xuất ổn định, hạn chế du canh, di cư tự do, ngăn chặn tranh chấp, ngăn chặn suy thoái môi trường. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ TN&MT, đến năm 2020, còn 85% diện tích đất rừng vẫn chưa được bàn giao về địa phương.
Tại Hội thảo “Kinh nghiệm triển khai giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số từ quỹ đất do các lâm trường quốc doanh bàn giao về địa phương” do Trường Đại học Lâm nghiệp và dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” đồng tổ chức, các đối tác đồng thực hiện dự án (CISDOMA, CEGORN, CRD và Oxfam) đã chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện 4 mô hình thí điểm giao đất, giao rừng cho cộng đồng tại Kon Tum và Lào Cai.

Một buổi họp tại thôn Hát Tình - xã Chiềng Ken- Huyện Văn Bàn- tỉnh Lào Cai trong xây dựng kế hoạch bàn giao đất rừng.
Trong giai đoạn 2021-2023, Dự án đã phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng triển khai thí điểm “Quy trình giao đất giao rừng cho cộng đồng gồm 7 bước” trên địa bàn huyện Kon Rẫy, huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum và huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai được dự án xây dựng căn cứ trên các quy định pháp luật hiện hành. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng đất và rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu Âu tài trợ. Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã hỗ trợ bàn giao 1.407,42 ha đất rừng cho 20 cộng đồng.
Sau thời gian thí điểm, Quy trình 7 bước đã chứng minh được hiệu quả và tính khả thi trên thực tế. Quy trình cho thấy tầm quan trọng của việc tham gia của cộng đồng trong xây dựng quy ước bảo vệ rừng và thực hiện khảo sát, đo đạc, cắm mốc giới, sự phối hợp của cơ quan chức năng và các cấp quản lý địa phương, và sự cần thiết phải thống nhất quy trình giao đất và giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trong một thủ tục hành chính để đơn giản cho người dân.
Đọc thêm về bài báo tại đây.