“Nhìn thì vất vả, nhưng tôi thấy những công việc này nam làm được thì nữ cũng làm được thôi.”
Ai có dịp đi qua vùng núi Quan Hóa, Thanh Hoá đều không khỏi ngỡ ngàng trước những tán rừng luồng (tre) xanh tầng tầng lớp lớp, ngút ngàn. Được ví như những cánh rừng no ấm, luồng đem lại sinh kế cho hầu hết bà con nơi đây.
Tọa lạc trên con đường độc đạo ven sườn núi, xưởng sơ chế luồng của chị Lưu Thị Nguyệt luôn tấp nập xe tải ra vào. “Xưởng tiêu thụ hơn 30 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Chúng tôi sơ chế thành sản phẩm rồi bán cho công ty,” chị Nguyệt vừa kể vừa thoăn thoắn xếp từng bó đũa tre vào thùng cho đơn hàng mới.
Xuất thân từ ngành Y, chị Lưu Thị Nguyệt có nhiều cơ hội làm một công việc thu nhập tốt ở thành phố theo đúng chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, chị lại chọn con đường về quê lập nghiệp cũng chỉ vì nỗi trăn trở: “Tại sao mình là con dân vùng luồng lại không nghĩ cách để phát triển và tạo giá trị cho cây luồng địa phương?" Chị bắt đầu thu mua luồng của người dân trong vùng từ năm 2013 và tìm cách kết nối với các doanh nghiệp để có đầu ra cho hàng tấn nguyên liệu thô mỗi ngày.
Tuy nhiên, do tập quán khai thác luồng của bà con địa phương là “gặp đâu chặt đấy”, khiến sản lượng và chất lượng luồng chị Nguyệt thu mua không đáp ứng được các yêu cầu đầu vào ngày càng khắt khe của các nhà máy. Hơn hết, việc bán nguyên liệu thô không tăng giá trị cho cây luồng, và “cứ thế này mãi thì bao giờ mới thoát nghèo?” Chị Nguyệt ấp ủ dự định mở một xưởng sơ chế sản xuất thành phẩm từ luồng, nhưng kế hoạch chỉ nằm trên giấy do chưa đủ kỹ thuật và tài chính.

Xưởng sơ chế luồng của chị Lưu Thị Nguyệt tại huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá
Năm 2018, dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam kết nối với bà con tại Quan Sơn và hỗ trợ phục tráng, trồng, chăm sóc, khai thác và phát triển rừng luồng theo tiêu chuẩn bền vững FSC (Forest Stewardship Council). Bên cạnh các lớp tập huấn kỹ thuật, dự án còn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, thúc đẩy vai trò của nữ giới trong vận hành nhóm sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Chính điều này đã tạo động lực cho chị Nguyệt hiện thực hóa kế hoạch thành lập xưởng sơ chế vào giữa năm 2021, với sự tư vấn chiến lược của dự án và hỗ trợ máy móc từ công ty BWG.
"Khách cần gì chúng tôi sản xuất cái đó: tăm, thìa, đũa, thớt, đủ cả. Phụ phẩm thì bán cho nhà máy ở Hà Tây để làm viên nén,” chị Nguyệt chia sẻ. Giá bán thành phẩm từ luồng cao hơn bán nguyên liệu thô, vừa giúp tăng giá trị cho cây luồng, vừa nâng cao đời sống kinh tế cho bà con địa phương. “Một tháng cô Nguyệt trả 6 triệu. Trước trồng lúa, trồng nương thì chỉ đủ ăn thôi. Giờ làm ở đây còn có tiền dư cho con ăn học,” bà Hà Thị Lạc, công nhân ở xưởng sơ chế phấn khởi cho biết.
Với nguồn nguyên liệu đạt chuẩn FSC, cùng sự lãnh đạo và quản lý hiệu quả, đến nay xưởng sơ chế tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 50 lao động, bán ra bình quân 15-20 tấn sản phẩm mỗi tháng.
Thông qua các buổi giao lưu, kết nối của Dự án, chị Nguyệt có cơ hội gặp gỡ và phát triển kinh doanh với nhiều đối tác sản xuất và chế biến tre trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Đây là tiền đề cho sự phát triển vùng nguyên liệu bền vững và toàn diện trong tương lai cho chuỗi giá trị tre tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tháng 6 năm 2021, chị Nguyệt đã được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026, do những đóng góp của mình vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chị Nguyệt phấn khởi vì “càng có thêm cơ hội gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm của mình cho bà con khắp vùng.” Khi được hỏi về hành trình 12 năm “tạo giá trị” cho rừng luồng quê hương, chị Nguyệt chỉ cười đáp: “Nhìn thì vất vả, nhưng tôi thấy những công việc này nam làm được thì nữ cũng làm được thôi.”