Ngày 14/9, Tại Chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023, Oxfam đã giới thiệu tới hàng trăm người tham gia về Cổng Thông tin điện tử SFV-AgriExport, một nền tảng kết nối nhà mua hàng châu Âu với doanh nghiệp kinh doanh nông sản Việt Nam.
SFV-AgriExport sẽ kết nối hàng trăm nhà mua hàng từ các thị trường lớn với hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam, thông qua danh sách Hồ sơ Doanh nghiệp, các Hội chợ Trực tuyến, cùng nhiều liên kết hữu ích với các Ủy ban, Hiệp hội trong và ngoài nước. Cổng thông tin sẽ cung cấp thông tin thị trường hằng tháng và hàng chục khóa học miễn phí dành cho doanh nghiệp.
“Đây là nền tảng tất cả trong một (all-in-one). SFV AgriExport hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chúng tôi đang hợp tác cùng các cơ quan chức năng và các đối tác chuyên môn để xây dựng nền tảng, và lập kế hoạch dài hạn để SFV AgriExport luôn được cập nhật và sống động kể cả sau khi dự án kết thúc,” bà Hoàng Lê Trang, Quản lý Dự án SFV-Export, chia sẻ tại “Hội thảo đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài”, trong Chuỗi sự kiện này.

Bà Hoàng Lê Trang - Quản lý Dự án SFV-Export
Việc tuân thủ các quy định của thị trường châu Âu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh bền vững và có đạo đức được các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh tại Hội thảo. Các giải pháp chuyển đổi số như SFV AgriExport được kỳ vọng sẽ nâng cao tính sẵn sàng của doanh nghiệp Việt trong đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công thương cho biết: “Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu và thống nhất ở mọi thị trường, đặc biệt là châu Âu. Doanh nghiệp Việt cần chủ động để không rơi vào thế lúng túng khi muốn xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao.”
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đưa ra nhiều giải pháp cho các Doanh nghiệp Việt xuất khẩu. Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc cần cập nhật quy định thông tin thị trường, đặc biệt các chứng nhận về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, liên kết chặt chẽ với người nông dân; áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, v.v
Đại diện từ I.SCHROEDER KG.(GMBH&CO) tại Việt Nam, nhà nhập khẩu nông sản hàng đầu Châu Âu, có ông Ông Vincent Gothknecht phát biểu. Ông cho rằng bền vững và truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng hàng đầu với người mua hàng châu Âu. "Họ muốn biết sản phẩm được canh tác như thế nào, ở đâu, bao giờ, có gây hại tới môi trường không, người nông dân và công nhân có được trả lương xứng đáng không… Việt Nam luôn là nơi đầu tiên chúng tôi nghĩ tới khi muốn nhập khẩu nông sản, nên nếu doanh nghiệp Việt cải thiện quy trình canh tác và chế biến để có các chứng chỉ EU yêu cầu, tôi tin đây sẽ là điểm đến đáng tin cậy cho các nhà nhập khẩu quốc tế."

Các sản phẩm gia vị được trưng bày tại gian hàng VISIMEX
Chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023 thu hút 200 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm trưng bày sản phẩm của 300 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Dự án SFV-Export đã đồng hành cùng 6 doahn nghiệp tại Triển lãm Vietnam International Sourcing 2023.
Truy cập nền tảng SFV-AgriExport: https://sfv-agriexport.vn/
Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau, quả Việt Nam” (SFV-Export) do Liên minh Châu Âu tài trợ, được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI. Đọc thêm về dự án tại đây: https://vietnam.oxfam.org/what-we-do-secured-livelihoods-and-resilient-communities/enhancing-export-competitiveness-vietnamese