Thực trạng các lô hàng nông sản Việt Nam tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép và bị trả về vẫn còn là vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và hộ nông dân. Điều này làm giảm uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, gây lãng phí và thiệt hại trực tiếp về tài chính cho các nhà sản xuất.
Theo khảo sát của Oxfam, đa phần các doanh nghiệp và hộ sản xuất không có động lực để tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, trừ khi đó là yêu cầu trực tiếp từ khách hàng. Các tiêu chuẩn cũng liên tục được cập nhật, khiến cho doanh nghiệp rơi vào thế bị động nếu không nắm chắc thông tin về thị trường.
Trước thực trạng đó, bà Hoàng Lê Trang, Quản lý dự án SFV-Export, Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ một số đề xuất để giải quyết vấn đề này. Một, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về yêu cầu của thị trường và các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận rộng rãi. Hai, việc thiết lập liên kết chuỗi giữa người sản xuất – doanh nghiệp theo nguyên tắc công bằng, minh bạch là yếu tố tiên quyết trong việc đảm bảo mức độ tuân thủ của nhà sản xuất và kiểm soát chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và hộ sản xuất cần phải chuẩn bị nguồn lực tài chính, con người để hoàn thiện hệ thống sản xuất, chế biến theo chuẩn quốc tế.

Bà Hoàng Lê Trang đưa ra đề xuất để cải thiện chất lượng nông sản
Với các thị trường lớn, an toàn thực phẩm là điều kiện bắt buộc để được phép nhập khẩu. Các thị trường khó tính hơn như EU, người tiêu dùng, các nhà phân phối sẽ ưu tiên tìm kiếm các sản phẩm được sản xuất, chế biến theo chuẩn quốc tế. (Ví dụ bộ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) công nhận và được ưa chuộng rộng rãi tại các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ). Do đó, việc tuân thủ các chứng nhận quốc tế sẽ giúp nông sản Việt đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu và còn là phương tiện để chinh phục khách hàng, mở rộng thị trường.
Để giúp các doanh nghiệp và hộ sản xuất tăng khả năng xuất khẩu nông sản ra thị trường lớn, Oxfam tại Việt Nam đã hỗ trợ quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm như BRC, IFS. Cụ thể, dự án đã cùng chuyên gia hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng sản xuất, quy trình chính sách đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, dự án tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh và quản lý chuỗi theo hướng liên kết sâu giữa doanh nghiệp và người sản xuất (nông dân, HTX). Mô hình liên kết được xây dựng trên các nguyên tắc chia sẻ lợi ích công bằng và hướng đến các tiêu chuẩn, thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững. Oxfam cũng hỗ trợ thúc đẩy kết nối kinh doanh, quảng bá sản phẩm Việt Nam đến các thị trường tiềm năng, bao gồm thị trường Châu âu thông qua các cơ hội trực tiếp và sàn kết nối trực tuyến.
Với sự hỗ trợ của Oxfam tại Việt Nam, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực gia vị, rau quả dự kiến sẽ nhận được chứng chỉ BRC, thương mại công bằng Fairtrade trong thời gian tới. Những hoạt động này nằm trong dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau, quả Việt Nam” (SFV-Export) do Liên minh Châu Âu tài trợ, được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.
Mời xem chi tiết trong bản tin Thời sự trên VTV1 (phút thứ 21): https://vtv.vn/video/thoi-su-19h-vtv1-22-8-2023-636555.htm