
Từ chỗ khai thác theo kiểu “lộc trời”, phụ thuộc vào thiên nhiên, người dân ở Bến Tre đã tham gia vào chuỗi nghêu đáp ứng tiêu chuẩn bền vững quốc tế. “Hồi trước mình nuôi cách nhỏ lẻ, 1ha chỉ thả được 5 tấn (nghêu). Giờ thả được 10 tấn,” ông Trần Văn Hoàng (Bến Tre) chia sẻ. Những bất cập trong thu hoạch như nghêu bị lẫn cát đã được giải quyết bằng sáng kiến máy làm sạch cát, giúp nâng cao giá trị nghêu bán ra.
Đây là một trong nhiều câu chuyện thành công của các HTX nghêu tham gia chuỗi giá trị nghêu bền vững do Dự án SCBV* hỗ trợ tại ba tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang.
Sản xuất theo chuỗi giá trị nghêu bền vững giúp người nông dân vùng nghêu nâng cao được giá trị sản xuất, thu nhập tăng gấp 10 lần trước kia; doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng và số lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, từ đó góp phần tăng giá trị xuất khẩu cho con nghêu Việt Nam. “Tất cả các khách hàng của tôi ở Châu Âu và Mỹ đều rất ‘happy’ với mô hình chuỗi này,” ông Võ Thành Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Hưng Trường Phát (Bến Tre) cho biết.
Từ năm 2018, dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam (SCBV)” đã tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc nghêu theo tiêu chuẩn bền vững (MSC/ASC) cho các HTX ở Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Cùng với đó, Dự án đã đẩy mạnh liên kết giữa các HTX nuôi nghêu, doanh nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ của sản phẩm, thúc đẩy các đối thoại và hợp tác đa bên để phát triển ngành nghêu bền vững và toàn diện.
Dự án do Liên minh Châu Âu tài trợ, thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).